Khu du lịch sinh thái đảo cò (Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương) không chỉ có nhiều loài chim cạn và chim nước, mà còn là nơi trú ngụ của hàng nghìn cò nhạn, loài chim nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Đảo cò Chi Lăng Nam nằm giữa hồ An Dương, xưa kia là vùng chiêm trũng nằm bên bờ sông Hồng, ở giữa nổi lên gò đất cây cối xanh tốt. Vào thế kỷ 15, một trận đại hồng thủy ập đến, làm vỡ đê sông Hồng, gây ngập lụt, làng mạc bị cuốn trôi. Lũ rút đi để lại một hồ nước rộng có độ sâu hơn 20 m tồn tại đến ngày nay.
Ông Vũ Bá Hân, Chủ tịch xã Chi Lăng Nam cho biết, đảo cò đã được tỉnh quy hoạch thành khu du lịch sinh thái với tổng diện tích 67 ha. Do số lượng chim, cò, vạc ngày càng về nhiều, tỉnh có chủ trương mở rộng đảo, trồng thêm cây để chim trú ngụ.
Trước mắt, Ban quản lý khu du lịch sinh thái đảo cò Nam Chi Lăng đã cho trồng thêm cây xanh, đặt các rổ nhỏ đan bằng mây, tre để cò, vạc xây tổ. 7 hộ dân quanh đảo tham gia làm du lịch, chèo thuyền đưa khách tham quan.
Theo ông Hân, năm 2012 đảo xuất hiện đàn cò nhạn với số lượng lên tới hàng nghìn con bay về trú ngụ. Đây là loài chim có kích cỡ lớn nhất trong số gần chục loài chim đang trú ngụ. Trung bình mỗi con cò khi trưởng thành nặng 1-1,5 kg; cao 0,8-0,9 m; sải cánh rộng hơn một mét. Chúng rất thân thiện, sống chan hòa với các loài chim bản địa.
Cò nhạn còn được gọi là cò ốc hoặc cò thìa, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, bậc R - loại cực kỳ quý hiếm. Cò thường xuất hiện ở những nơi có nước ngọt, nhiều cánh đồng ngập nước và các bãi triều ven sông, ven biển. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác. Chúng di cư và sinh sống thành bầy.
Cũng giống như nhiều loài chim khác, cò nhạn thường cặp đôi.
Năm 2014, đảo cò được tỉnh Hải Dương công nhận là Khu du lịch sinh thái. Các hoạt động săn bắn, đặt bẫy chim bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, chính quyền xã Chi Lăng Nam tỏ ra lo lắng cho số phận của đàn chim bởi địa bàn di cư kiếm ăn rất rộng, không chỉ trên cánh đồng của xã mà bay tới các xã trong huyện, trong tỉnh, thậm chí ra các vùng lân cận...
Đến với đảo cò, người dân được chứng kiến những màn tập bay, chuyền cành của các chú cò non...
...và trên các cành cao, bụi tre, từng đàn cò con ngồi thu mình ngóng chờ chim mẹ kiếm mồi về.
Đảo cò càng đẹp và thơ mộng hơn dưới ánh hoàng hôn, lúc từng đàn chim từ bốn phương tìm về tổ ấm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.