Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng hóa dịp Tết - Đủ nguồn, giá tốt

Nhóm phóng viên| 10/01/2023 06:17

(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân đang bước vào cao điểm mua sắm hàng hóa cuối năm. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp bán lẻ, cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã tích cực chuẩn bị nguồn hàng, nhiều chương trình khuyến mại đang được tung ra để kích cầu tiêu dùng. Với tinh thần chủ động, nguồn hàng phục vụ Tết năm nay phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân về cả số lượng và giá cả.

Các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị Big C (quận Long Biên) đa dạng, bảo đảm phục vụ người tiêu dùng.

Phong phú, đa dạng

Khảo sát thực tế tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, đại lý cũng như các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội những ngày này cho thấy, không khí mua, bán hàng hóa như bánh kẹo, rượu bia, hoa quả, đồ gia dụng, thực phẩm… ngày càng sôi động. Hầu khắp các địa điểm, hàng hóa đều chất đầy kệ, nguồn hàng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tại siêu thị BRG mark, Tòa MD Complex 68 phố Nguyễn Cơ Thạch (quận Nam Từ Liêm), tại khu vực bán hàng bình ổn, các chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm thu hút sự chú ý của nhiều người. Chị Lương Thu Hằng, người dân khu chung cư Mulbery lane (quận Hà Đông) cho biết, hàng hóa được niêm yết giá công khai, tiện cho người tiêu dùng lựa chọn; các chương trình khuyến mãi cũng rất hấp dẫn, nguồn gốc hàng hóa lại rõ ràng..., nên người mua rất yên tâm.

Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, khảo sát ngày 7-1 cho thấy, hàng nghìn mặt hàng được bày bán vô cùng phong phú cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá 30-50%. Để phục vụ lượng lớn người đến mua sắm, siêu thị đã tăng cường nhân viên, bảo đảm 100% quầy thanh toán đều hoạt động để khách hàng không phải chờ lâu.

Trong khi đó, tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, hàng hóa cũng được bày bán đa dạng. Các cửa hàng bán bánh kẹo, thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân, chợ Hôm, chợ Đồng Xuân… luôn nhập hàng mới để đáp ứng nhu cầu của khách. Chị Nguyễn Hằng Nga, tiểu thương bán thịt bò ở chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, nhiều khách hàng đặt thịt tươi để làm thịt bò khô dịp Tết, số lượng hàng tăng đột biến nên chị phải chọn nguồn hàng chuẩn, ổn định giá để giữ khách.

Người dân mua thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Bảo đảm bình ổn giá

Trong bối cảnh thu nhập của nhiều người dân còn khó khăn, vấn đề giá cả luôn là sự cân nhắc đầu tiên với người tiêu dùng. Chia sẻ vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam thông tin, chuỗi bán lẻ của Central Retail gồm: GO!, Big C, Tops Market bắt đầu tung ra loạt chương trình khuyến mãi đặc biệt hấp dẫn, nhằm đem đến cho người tiêu dùng một cái Tết không lo về giá. Đối với mặt hàng tiêu dùng nhanh, GO!, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp, đưa ra dự báo số lượng sản xuất từ quý II-2022 và dự trữ hàng hóa từ đầu tháng 10-2022. Đặc biệt, với sứ mệnh “giúp cho cuộc sống của khách hàng dễ dàng hơn”, hệ thống siêu thị GO!, Big C và Tops Market đã chủ động đàm phán với các nhà cung cấp cùng thực hiện chương trình “khóa giá” đối với mặt hàng thiết yếu là thịt lợn. Do đó, Central Retail bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, giúp người dân dễ dàng mua được thịt sạch với giá tốt nhất.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương, hệ thống có 69 siêu thị, cửa hàng bán lẻ BRG Mart tham gia bán hàng bình ổn giá. Do đó, các sản phẩm chủ lực đã được đơn vị chuẩn bị sẵn, đáp ứng lượng hàng hóa phong phú, nhất là các nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền… Đơn vị cũng tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố.

Đối với việc kiểm soát hàng hóa tại chợ, theo bà Lê Thị Kim Anh, Trưởng ban Quản lý chợ quận Thanh Xuân, đơn vị thường xuyên giám sát, nhắc nhở các tiểu thương phải bảo đảm nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, cũng như kiểm soát không để tăng giá bất hợp lý. Ngoài ra, yêu cầu tiểu thương thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và bán hàng đúng giá niêm yết.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, khi nhu cầu thị trường tăng cao rất có thể gây ra tình trạng tăng giá đột biến. Do đó, thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai Chương trình “Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu”. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình ký cam kết bình ổn giá, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như gạo, thịt lợn, thủy, hải sản... Ngoài ra, các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, giá ổn định.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Do đó, người dân có thể yên tâm mua sắm, không lo khan hiếm hàng hóa trong dịp Tết này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàng hóa dịp Tết - Đủ nguồn, giá tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.