(HNNN) - Người tiêu dùng Hàn Quốc luôn đặt sự an toàn của nông sản, thực phẩm lên hàng đầu, sau đó mới tới hương vị, hình thức, giá cả và giá trị dinh dưỡng. Cùng với khung pháp lý nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt ra để bảo vệ sức khỏe của người dân, những năm gần đây, số bệnh nhân ung thư tại đất nước này đã có chiều hướng giảm.
Hệ thống kiểm soát thực phẩm của Hàn Quốc có sự tham gia của 4 bộ gồm: Bộ Y tế và Phúc lợi (MOHW), Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn (MAFRA), Bộ Hải dương và Ngư nghiệp (MOF), Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (MFDS). Đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân lên trên hết, những năm gần đây, xứ sở Kim chi liên tục siết chặt quy định về an toàn thực phẩm.
Tháng 4 vừa qua, Hàn Quốc đã áp luật bắt buộc các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu vào nước này phải có chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP). Để vượt qua được “cửa ải” này, sản phẩm buộc phải có sự minh bạch về toàn bộ quy trình từ sản xuất tới tay người tiêu dùng, những cảnh báo rủi ro về mặt an toàn thực phẩm đối với mặt hàng có kế hoạch nhập khẩu vào Hàn Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đảm bảo sự giám sát chặt chẽ, lưu giữ đầy đủ các hồ sơ... Các doanh nghiệp có thể bị phạt số tiền lên tới hơn 45.000 USD, thậm chí bị đi tù nếu vi phạm những quy định nói trên.
Trước đó, Hàn Quốc cũng đã áp dụng Hệ thống quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp mới (PLS) cho tất cả các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Việc thiết lập và áp dụng hệ thống PLS của Hàn Quốc nhằm ngăn ngừa các nguy cơ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe do hấp thụ dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm, đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân. Mặt khác, hệ thống PLS cũng định hướng để người sản xuất nông sản sử dụng các biện pháp phù hợp trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo, 70% khối lượng tiêu thụ thực phẩm của nước này là hàng nhập khẩu. Số lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc ngày càng nhiều, chủng loại vô cùng đa dạng. Vì vậy, đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu là ưu tiên quan trọng đối với chính phủ Hàn Quốc. Đây là lý do tại sao một khung pháp lý nghiêm ngặt được đặt ra để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Không chỉ các mặt hàng nhập khẩu mà ngay cả những sản phẩm được sản xuất ở trong nước cũng phải tuân thủ những quy định khắt khe. Bộ Y tế và Phúc lợi là cơ quan chịu trách nhiệm về các chính sách vệ sinh thực phẩm, thủ tục. Trong khi các bộ còn lại chịu trách nhiệm thi hành pháp luật liên quan và các quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm thực phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu. Hiện tại, Hàn Quốc đã ban hành rất nhiều luật liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm như: Luật vệ sinh thực phẩm, Luật về chế biến thịt và sản phẩm gia cầm, Luật về quản lý chất lượng nông nghiệp/thủy sản, Luật sức khỏe và thực phẩm chức năng, Luật cơ bản về an toàn thực phẩm...
Những năm gần đây, chính quyền Hàn Quốc đã thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học vào hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm quản lý rủi ro, phân tích khoa học rủi ro và truyền thông tin đến người tiêu dùng. Những dữ liệu phân tích, đánh giá rủi ro do chính các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị tư nhân và các tổ chức cộng đồng thực hiện. Dữ liệu này đóng vai trò then chốt, kết hợp với các quy định của quốc tế, nhận thức của cộng đồng và quy định riêng của quốc gia, tạo thành các khuyến nghị về an toàn thực phẩm cho nhà sản xuất và người dân.
Để loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thực phẩm không an toàn trong nấu ăn, chính quyền Hàn Quốc còn thiết lập chương trình kiểm soát hằng tháng đối với thực phẩm được bán trong các cửa hàng, nhà hàng giảm giá, nhà hàng gia đình, sản phẩm được bán chiết khấu... Điều kiện đăng ký giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho quán ăn Hàn Quốc cũng rất ngặt nghèo như: Có trang thiết bị phù hợp, không gây độc hại và phải được vệ sinh thường xuyên; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc an toàn, sử dụng chất phụ gia có trong danh sách quy định; có nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật, phục vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm; môi trường sản xuất phải sạch sẽ, khô ráo và phân khu theo quy định; chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất buộc phải có giấy chứng nhận đã tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ và thực hành tốt vệ sinh cá nhân.
Ngoài ra, nước này cũng thành lập các trung tâm cung cấp thông tin an toàn thực phẩm ở nhiều khu vực. Nhiệm vụ của những trung tâm này là thu thập thông tin, phân tích đánh giá khoa học và truyền thông tới người tiêu dùng. Quá trình phân tích và phản hồi thông tin đều dựa vào cơ sở khoa học, tạo ra một vòng tròn khép kín trong chuỗi cung ứng thông tin về an toàn thực phẩm.
Báo cáo của chính phủ Hàn Quốc cho thấy, từ năm 1983 đến nay, số người tử vong vì ung thư tại quốc gia này luôn đứng đầu so với các bệnh khác. Tuy nhiên, trong 4 năm trở lại đây, số bệnh nhân bị mắc ung thư đã giảm liên tiếp. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Người dân Hàn Quốc hy vọng, với việc quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, số người mắc bệnh liên quan tới vấn đề này sẽ tiếp tục giảm mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.