(HNM) - Thông tin Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề nghị sớm thực hiện lộ trình hạn chế xe máy đã thu hút sự quan tâm của dư luận...
Tuy nhiên, việc triển khai cần tiến hành từng bước chắc chắn và có sự đồng thuận của người dân; tuyến đường nào đủ điều kiện về hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng thì hạn chế hoạt động của xe máy trước.
Hà Nội đưa ra lộ trình 3 giai đoạn và sẽ dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030. |
Tiến sĩ Kinh tế Lương Hoài Nam:
Quyết liệt trên cả hai hướng hành động
Để Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, an toàn, có chất lượng cuộc sống tốt, việc thực hiện thành công Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” là điều kiện bắt buộc. Để thực hiện đề án, Hà Nội cần quyết liệt trên cả hai hướng hành động là: Hạn chế các phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) và phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng. Hai hướng này phải thực hiện đồng thời, đồng bộ, bởi không thể hạn chế, cấm phương tiện cá nhân mà thiếu phương tiện vận tải hành khách công cộng thay thế. Và cũng không khả thi khi phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng mà chưa hạn chế, cấm phương tiện cá nhân, nhất là xe máy...
Ông Nguyễn Anh Tùng, phường Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân:
Xu hướng tất yếu ở các đô thị lớn
Theo tôi, việc cấm xe máy là xu hướng tất yếu của những đô thị lớn. Đặc biệt, tại một số tuyến đường có hệ thống giao thông công cộng đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, cần được thực hiện thí điểm để người dân thấy rõ tính hữu ích của nó. Thông tin Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chọn tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm hạn chế xe máy, tôi cho rằng đó là quyết định đúng đắn khi hai tuyến đường này có hệ thống xe buýt nhanh, xe buýt thường, sắp tới đường Nguyễn Trãi có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phát triển phương tiện vận tải công cộng nhỏ để phục vụ người dân đi từ các khu dân cư ra tuyến đường chính. Các cơ quan liên quan cần tính toán, cân nhắc kỹ, có lộ trình để làm sao sau khi cấm xe máy thì người dân vẫn được hưởng dịch vụ vận tải công cộng tốt nhất, thuận lợi nhất.
Anh Lê Văn Minh, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy:
Xây dựng lộ trình hạn chế xe máy, ô tô cá nhân
Ở nhiều nước tôi đã đi qua đều không thấy xe máy ngoài đường. Để thực hiện được điều này, các cơ quan chức năng các nước áp dụng chính sách "đánh" vào lợi ích kinh tế, như việc thu phí thật cao với các phương tiện cá nhân; phạt thật nặng với xe đỗ sai quy định. Các cơ quan, doanh nghiệp không hỗ trợ nhân viên chi phí với xe cá nhân, nhưng ngược lại khuyến khích nhân viên đi bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tại Nhật Bản, việc người dân đi bộ vài ki lô mét để đến điểm có phương tiện vận tải hành khách công cộng là chuyện bình thường. Thời gian đầu bị cấm sử dụng xe máy, người dân sẽ không quen, thấy bất tiện, nhưng khi tạo thành thói quen, thì người dân sẽ ủng hộ chính sách nhà nước nhằm hạn chế ùn tắc, thuận tiện đi lại và phát triển kinh tế của thành phố. Theo tôi, việc hạn chế, cấm xe máy ở một số quận cần có lộ trình cụ thể và được công khai nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Cùng với hạn chế, cấm xe máy, Hà Nội cần xây dựng lộ trình hạn chế cả ô tô cá nhân.
Ông Nguyễn Đình Hoàn, phường La Khê, quận Hà Đông:
Tăng cường kết nối giao thông
Từ khi tuyến xe buýt nhanh BRT vận hành, hằng ngày tôi đều đi làm bằng phương tiện này. Sở dĩ tôi thay đổi thói quen từ đi xe máy sang phương tiện vận tải hành khách công cộng bởi đây là phương tiện sạch sẽ, an toàn, giá vé phù hợp. Đặc biệt là hằng ngày tôi được đi bộ để rèn luyện sức khỏe từ nhà ra bến xe buýt và ngược lại. Nếu tính kinh tế, đi xe buýt lợi hơn gấp 2-3 lần so với đi xe máy. Tuy nhiên, 2 năm gần đây do phương tiện cá nhân gia tăng (cả ô tô và xe máy) dẫn đến việc di chuyển của xe buýt gặp nhiều khó khăn.
Mấy ngày gần đây, khi biết tin Hà Nội dự kiến thí điểm hạn chế xe máy ở một trong 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương tôi rất vui và tán thành. Bởi, hai tuyến đường này hiện có rất nhiều tuyến xe buýt đang hoạt động, hạ tầng giao thông đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, người dân sẽ thuận lợi để đi lại. Tuy nhiên, để bảo đảm việc đi lại của người dân được thuận lợi nhất, đề nghị ngành chức năng thành phố cần tiếp tục tăng cường kết nối giao thông và phương tiện giao thông công cộng trước khi cấm, hạn chế phương tiện cá nhân trên những trục đường này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.