(HNMO) - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố có những giải pháp hết sức căn cơ, xuất phát từ lợi ích của người dân và thôi thúc họ sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ý kiến trên của ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, được nêu tại buổi tọa đàm Hạn chế xe máy tại Hà Nội: Giải pháp nào?, do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 4-4.
Đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cùng các chuyên gia tham dự tọa đàm. |
Ông Bùi Danh Liên nhận định, về mặt quy hoạch và chủ trương, thành phố Hà Nội đã tiến hành rất kỹ lưỡng. Hiệp hội Vận tải Hà Nội và cá nhân ông hoàn toàn ủng hộ cũng như kêu gọi mọi người đồng hành cùng thành phố trong hạn chế phương tiện cá nhân. Theo ông, thành phố nên quan tâm đến các phương tiện vận chuyển cho người dân ở các tuyến kết nối ngang, tức các ngõ nhỏ, phố nhỏ, có tính liên thông, kết nối giữa các đường, phố lớn; xây dựng lộ trình phù hợp với sức chứa của giao thông công cộng và năng lực tài chính của thành phố để việc hạn chế người dân sử dụng xe máy đạt hiệu quả.
Ông Nguyễn Công Nhật - Phó Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, để có thể "khỏa lấp" được khoảng trống mà việc hạn chế phương tiện cá nhân để lại, cần quan tâm thích đáng đến việc tổ chức giao thông cho xe buýt. Xe buýt phải đáp ứng được sự tiện lợi, tiện nghi; nâng cao chất lượng phục vụ, di chuyển nhanh hơn phương tiện cá nhân.
Thông tin về lộ trình thực hiện đề án "Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, ông Ngô Anh Tú - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo, Sở GT-VT Hà Nội, đơn vị được giao xây dựng và đưa ra lộ trình thực hiện cho biết, đề án đang được Sở GT-VT Hà Nội nghiên cứu, xây dựng. Sau khi được Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố cũng như Sở sẽ chính thức công bố công khai cho người dân về lộ trình và các bước thực hiện tiếp theo.
Quá trình xây dựng đề án dựa trên 4 nguyên tắc: Bảo đảm khu vực trong và ngoài khu vực hạn chế phương tiện cá nhân về cơ sở hạ tầng, vận tải hành khách công cộng; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phục vụ cho nhân dân; bảo đảm tính kết nối giữa các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải, đặc biệt là giao thông công cộng với giao thông cá nhân và mở rộng không gian đi bộ và các tuyến phố đi bộ. Đối tượng quản lý của đề án là tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không chỉ riêng xe máy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.