Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế sử dụng túi ni lông: Thay đổi nhỏ, ích lợi lớn

Nguyễn Thị Kim Thanh| 06/11/2013 06:18

(HNM) - Việc sử dụng túi ni lông từ lâu đã được khuyến cáo là không có lợi, thậm chí, về lâu dài, đây là một trong những tác nhân dẫn đến môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Để loại bỏ việc sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày, Chương trình "Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường" được triển khai trên địa bàn thành phố, tạo sức lan tỏa, mang lại ích lợi lớn...

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn Hà Nội phát sinh 5.500 tấn rác thải, trong đó 7-8% là túi ni lông. Theo nhận định của các nhà khoa học, thời gian phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên của túi ni lông có thể là 500 năm, thậm chí đến 1.000 năm. Khảo sát một số địa phương, có nơi quản lý và thu gom không triệt để, túi ni lông lẫn vào đất, ngăn cản quá trình sinh trưởng của các loại thực vật, quá trình ôxy hóa, hấp thu chất dinh dưỡng trong đất... làm cho đất bị ô nhiễm, suy thoái, cây trồng chậm phát triển. Có chỗ, túi ni lông phát tán vào môi trường nước, đặc biệt là cống rãnh, kênh mương làm tắc nghẽn, hạn chế dòng chảy, gây ứ đọng, ô nhiễm môi trường nước cục bộ, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh vật. Đáng ngại nhất là tình trạng dùng túi ni lông chứa thức ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các túi ni lông tái chế do còn lẫn tạp chất, độc chất.

Được Sở Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội triển khai nhiều chương trình tuyên truyền khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi ni lông. Quỹ đã phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thí điểm Chương trình "Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường" trong hệ thống siêu thị; phối hợp với các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội nhân rộng, thực hiện đổi giấy vụn lấy túi thân thiện môi trường, gấp túi giấy thay thế túi ni lông, phân loại rác thải tại nguồn... Những chương trình này đã có sức lan tỏa rộng khắp, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân sử dụng hợp lý túi ni lông, dần chuyển từ sử dụng túi ni lông thông thường sang các loại túi thân thiện với môi trường. Năm 2013, đẩy mạnh công tác truyền thông, Quỹ phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan báo chí, trường đại học, tiểu học trên địa bàn phổ biến tới các tầng lớp nhân dân về tác hại của túi ni lông với nhiều nội dung khá phong phú. Nằm trong chuỗi Chương trình "Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường", từ đầu tháng 9 đến trung tuần tháng 11-2013, trên các tuyến phố của Thủ đô và những nơi tập trung đông dân cư, Quỹ triển khai treo hàng trăm băng rôn, biểu ngữ, dán hàng nghìn poster tuyên truyền; phối hợp với CLB sinh viên tình nguyện phát động "Ngày hội thu gom đồ cũ", đổi lấy túi thân thiện với môi trường; phát miễn phí hơn 12.000 túi bằng vải sợi tổng hợp thân thiện với môi trường tại 6 trường đại học và tiểu học... Thông qua các hoạt động tuyên truyền trực quan, gặp gỡ, giao lưu giữa "Đại sứ xanh", "Hiệp sỹ" bảo vệ môi trường, phỏng vấn gương mặt điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động phát túi thân thiện với môi trường đã giúp các em hiểu rõ hơn ý nghĩa thiết thực và tự nguyện tham gia hưởng ứng chương trình.

Em Đinh Minh Trang, học sinh lớp 4N, Trường Tiểu học Nam Thành Công cho biết, hành động từ chối dùng túi ni lông rất đơn giản, nhưng nếu mọi người cùng thực hiện thì ý nghĩa đem lại không hề nhỏ chút nào trong bảo vệ môi trường.

Sau 5 năm triển khai Chương trình "Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường", bên cạnh các hoạt động tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường, Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phát miễn phí gần 100 nghìn túi thân thiện với môi trường tới nhân dân… Tuy nhiên, phải thừa nhận để thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông là không dễ. Để giải quyết thói quen sử dụng túi ni lông, ngoài tích cực tuyên truyền, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất túi thân thiện với môi trường, cùng với đó, cần đánh thuế mạnh đối với túi ni lông gây hại cho môi trường, có vậy mới hạn chế số lượng túi ni lông thải ra môi trường...

Cô giáo Trần Thị Minh Tâm, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa):

Hơn ba nghìn thầy cô giáo và học trò nhà trường rất vinh dự được tham gia Chương trình "Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường". Chương trình là sân chơi bổ ích, giúp các em học sinh hiểu tác hại của túi ni lông với môi trường, ảnh hưởng đến đất đai, sức khỏe của con người... Không chỉ vậy, nhờ tiếp cận kiến thức, các em đã trở thành tuyên truyền viên truyền tải thông tin đến gia đình, bạn bè không sử dụng túi ni lông và sử dụng túi thân thiện, túi vải trong sinh hoạt hàng ngày.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế sử dụng túi ni lông: Thay đổi nhỏ, ích lợi lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.