Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế

Phan Tuấn| 03/04/2020 13:22

(HNMCT) - Tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, khó lường, đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, tại Việt Nam đã có ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong bệnh viện, bao gồm cả nhân viên y tế. Bởi vậy, phòng, chống nguy cơ dịch Covid-19 lây lan trong các cơ sở y tế tại Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Phòng, chống nguy cơ dịch Covid-19 lây lan trong các cơ sở y tế đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) là cơ sở tuyến đầu của ngành Y tế đang nhận trọng trách điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tại đây, đội ngũ các bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với ca bệnh, luôn đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Trong thực tế, bệnh viện này đã ghi nhận trường hợp bác sĩ nhiễm Covid-19.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cho biết “các bác sĩ như đang ra trận, bước vào một cuộc chiến đầy cam go và luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Do đó, chúng tôi luôn phải hết sức cẩn trọng”. Khác với những bệnh nhân mắc Covid-19 trong giai đoạn 1 được điều trị tại đây chủ yếu là người trẻ tuổi, thì ở đợt này, bệnh nhân mắc Covid-19 đông hơn, nhiều lứa tuổi, có cả bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh nền là tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường...

Để bảo đảm an toàn trong điều trị, bệnh viện đã phân luồng, sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm riêng, hướng dẫn nhân viên y tế sử dụng thiết bị bảo hộ để phòng lây nhiễm chéo. Thế nhưng, điều không mong muốn đã xảy ra, như trường hợp bác sĩ của khoa Cấp cứu vì thường xuyên làm việc trong môi trường phòng áp lực âm, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nặng trong nhiều ngày nên đã mắc Covid-19.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhân viên y tế là người trực tiếp tiếp xúc với mầm bệnh hằng ngày, thực hiện chích thuốc, can thiệp phẫu thuật, thủ thuật, chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân... nên có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, kể cả khi họ có sử dụng quần áo bảo hộ thì không phải lúc nào cơ thể cũng được giữ kín hoàn toàn.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các thầy thuốc ở tuyến đầu đang căng mình chống dịch và là lực lượng hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh Covid-19 trong các cơ sở y tế là vô cùng quan trọng, nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây nhiễm từ bệnh nhân sang cán bộ y tế và ra cộng đồng. Hơn 3.000 cán bộ y tế ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) bị lây nhiễm, hay tình trạng lan truyền dịch Covid-19 với tốc độ chóng mặt tại Italia, Mỹ... là bài học cho Việt Nam. Do đó, tất cả cán bộ y tế không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế.

Tăng cường biện pháp phòng hộ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, trong đó vệ sinh tay là biện pháp dễ thực hiện và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Vệ sinh tay được coi là “liều vắc xin tự chế” đơn giản, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy - nguyên nhân gây tử vong đối với hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị mỗi cán bộ y tế nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo đảm trang phục phòng hộ cá nhân, phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và cộng đồng: “Chúng tôi, một lần nữa, rất mong muốn toàn ngành Y tế nhận thức rõ sự nguy hiểm trong vấn đề lây lan vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, đồng thời có các biện pháp bảo vệ bản thân, bảo vệ người bệnh, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế”.

Bộ Y tế đã khuyến cáo các cơ sở y tế tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi có tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Bộ Y tế sẵn sàng cung cấp đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các nhân viên y tế làm việc ở các khoa khám, chữa bệnh cho người mắc Covid-19 phải tuân thủ chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Khi về nhà, các nhân viên y tế này cần cố gắng thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tránh ra cộng đồng vì họ có thể là nguồn bệnh mà chúng ta chưa phát hiện ra. Toàn bộ nhân viên y tế phải thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được phân công và thực hiện tốt công tác phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.