Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm: Kiểm soát từ gốc

Ngọc Quỳnh| 07/07/2014 06:22

(HNM) - Hiện nay, ở Hà Nội, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm 60%. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố mặc dù không phát sinh dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm nhưng vẫn còn hiện tượng gia cầm ốm, chết.



Để công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, bên cạnh nâng cao ý thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin theo đúng yêu cầu... việc kiểm soát chặt chẽ gia cầm ra vào thành phố là hết sức quan trọng.

Tiêm vắc xin phòng dịch cho gia cầm là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh: Khánh Nguyên


Theo Chi cục Thú y Hà Nội, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, nhưng tỷ lệ đàn vật nuôi ốm, chết vẫn còn, trong đó đàn trâu, bò, tỷ lệ ốm là 3,77%/tổng đàn, đàn lợn là 1,47%/tổng đàn, đàn gia cầm là 0,95%/tổng đàn. Từ năm 2011-2014, Hà Nội đã triển khai dự án phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch ở người (VAHIP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ với mục tiêu khống chế dịch triệt để trong đàn gia cầm; phát hiện sớm và ứng phó với các ca lây nhiễm cúm trên gia cầm và trên người. Dự án được triển khai ở 19 huyện, thị xã, trong đó chủ yếu tại chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín).

Ông Cấn Xuân Bình - Đại diện Ban quản lý dự án VAHIP Hà Nội cho biết, chợ gia cầm Hà Vỹ gồm 3 thôn với 1.860 hộ, trên 8.000 nhân khẩu. Chợ được hình thành tự phát từ năm 1995 với khoảng 60-70 hộ kinh doanh gia cầm, trên 250 hộ giết mổ nhỏ lẻ cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chợ nằm xen lẫn trong khu dân cư, trên trục đường giao thông liên thôn, liên xã, các ki ốt làm bằng tre, nứa, nền đất, không có lồng, sàn nhốt gia cầm và không có khu xử lý chất thải. Chợ hoạt động 24/24h hằng ngày, cao điểm nhất từ 1h đến 6h sáng, bán cả gà, thủy cầm, trong đó bán buôn đi địa phương khác 70%, giết mổ tại xã Lê Lợi 30% nên không kiểm soát được việc nhập, xuất gia cầm. Hiện chợ do thôn Hà Vỹ tự quản, thu lệ phí chợ. Thực hiện dự án bảo đảm an toàn sinh học trong buôn bán và vận chuyển gia cầm, đến nay đã có 100% hộ kinh doanh áp dụng 5 biện pháp chính: Kiểm dịch; bán trên sàn; vệ sinh ki ốt và thu gom xử lý chất thải hằng ngày; đóng cửa chợ để tổng vệ sinh 1 ngày/tháng; vệ sinh, khử trùng phương tiện ra vào chợ.

Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cho biết, khi tham gia vào dự án, tại chợ Hà Vỹ đã từng bước kiểm soát, ngăn chặn sự phát tán dịch bệnh. Ở đây đã không còn hiện tượng bán gia cầm trong khu dân cư và cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường so với chợ cũ, gia cầm đưa vào chợ đã được kiểm soát chặt chẽ... Từ tháng 12-2012 đến nay không còn gia cầm nhập lậu; gia cầm đưa vào chợ Hà Vỹ đều có giấy chứng nhận kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng. Điều quan trọng nhất khi thực hiện dự án là đã làm thay đổi nhận thức, hành vi người kinh doanh, người giết mổ và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm… trong việc phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Để hạn chế việc lây nhiễm dịch cúm gia cầm từ các chợ, nâng cao ý thức của người dân trong việc giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, Ban quản lý dự án VAHIP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường chương trình giám sát lưu hành mầm bệnh; tiếp tục tăng cường năng lực thú y cơ sở trên lĩnh vực thú y cộng đồng; bổ sung vốn cho dự án LIFSAP để áp dụng mô hình giám sát dịch bệnh và chương trình an toàn thực phẩm của dự án VAHIP. Về phía thành phố, các chốt kiểm dịch động vật liên ngành cần tăng cường hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc xuất - nhập gia súc, gia cầm từ các tỉnh vào Hà Nội và ngược lại để giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm. Việc hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, hóa chất phục vụ việc thực hiện an toàn sinh học tại chợ Hà Vỹ cũng cần được tiếp tục tăng cường trong thời gian tới.

Để kiểm tra mức độ lây nhiễm cúm gia cầm ở các chợ trên địa bàn thành phố, các ngành chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, tại chợ Hà Vỹ đã lấy 4.020 mẫu xét nghiệm, trong đó có 253 mẫu dương tính với cúm A (chiếm 6,3%), 23 mẫu dương tính với cúm H5, 19 mẫu dương tính với cúm A/H5N1 (chiếm 0,5%). Giám sát lưu hành vi rút cúm tại các chợ, lò mổ khác trên địa bàn thành phố đã lấy 4.992 mẫu xét nghiệm, trong đó có 495 mẫu dương tính với cúm A (chiếm 9,9%), 37 mẫu dương tính với cúm H5 (chiếm 0,74%), 33 mẫu dương tính với H5N1 (chiếm 0,66%).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm: Kiểm soát từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.