Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế đất diễn của cầu thủ “nhập tịch”: Điều phải đến đã đến

Minh Quang| 01/11/2014 07:02

(HNM) - Từ mùa bóng tới, không chỉ hạn chế số lượng cầu thủ ngoại ở Giải Vô địch bóng đá chuyên nghiệp (V.League), LĐBĐ Việt Nam còn hạn chế số lượng cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam ở các CLB - điều mà trước đây tưởng như không thể đụng đến.

Kể từ sau khi thủ thành Santos của Đồng Tâm Long An được nhập quốc tịch và thi đấu dưới cái tên "Việt hóa" là Phan Văn Santos, trào lưu nhập tịch cho các cầu thủ ngoại thi đấu lâu năm tại Việt Nam bùng phát. Đã có lúc người ta coi đó là nguồn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia để tăng chất cho đội tuyển, một cách làm trước đó đã giúp bóng đá Singapore gặt hái thành công nhất định. Nhưng, chỉ sau ít trận sử dụng cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển quốc gia, chuyện này không còn được LĐBĐ Việt Nam đề cập đến trong mỗi lần tập trung đội tuyển. Những tưởng điều này sẽ khiến chuyện nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài "chậm lại", nhưng mọi sự vẫn vậy. Các CLB vẫn làm mọi cách có thể để nhập tịch cho các cầu thủ, để "ăn đong", bổ sung sức mạnh cho đội bóng một cách nhanh nhất. Cái gọi là "yếu trâu còn hơn khỏe bò" ăn sâu vào ý nghĩ của nhiều ông bầu. Ai cũng biết đó là cách "lách" luật của các CLB thích "ăn xổi", nhưng không dễ hạn chế điều này. Trong thực tế, lý do "hạn chế quyền làm việc của các cầu thủ nhập tịch" đã được nhiều CLB đưa ra để phản đối ý định hạn chế số cầu thủ nhập tịch tại mỗi CLB của các nhà tổ chức giải cũng như LĐBĐ Việt Nam. Hệ quả là các cầu thủ nội mất suất thi đấu vào tay các cầu thủ nhập tịch, đội tuyển quốc gia không có nhiều nhân tố nổi bật. Trong khi đó, một số CLB như Sài Gòn Xuân Thành, B.Bình Dương, Thanh Hóa, Hoàng Anh Gia Lai… thản nhiên đưa vào sân tới 5-7 cầu thủ gốc nước ngoài tại V.League. B.Bình Dương lên ngôi ở V.League mùa qua, một phần nhờ sở hữu dàn cầu thủ nhập tịch đông đảo, chất lượng cao.


Nhưng không phải đội nào cũng được như B.Bình Dương. Hoàng Anh Gia Lai, một trong những điểm sáng hiện nay về đào tạo trẻ cũng từng sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch từ Thái Lan, Mexico (trường hợp trung vệ Hoàng Marcelo). Nhưng thành tích của đội bóng này không vì thế mà tốt hơn, luôn chông chênh ở nhóm giữa hoặc nửa cuối bảng xếp hạng. Đơn giản vì nhóm cầu thủ nhập tịch của đội bóng phố núi có trình độ "làng nhàng", chẳng hơn cầu thủ nội bao nhiêu.

Năm nay, khi lứa cầu thủ trẻ của U19 Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG sắp được tung vào V.League cũng là lúc quy định về số cầu thủ ngoại cũng như cầu thủ nhập tịch được đưa ra. Khi ấy, sân chơi V.League sẽ có nhiều đất diễn cho những cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai, nhất là các tiền đạo. Ở Hội nghị Ban Chấp hành LĐBĐ Việt Nam vừa qua, dựa trên thỏa thuận của các CLB, những người có trách nhiệm đã quyết định mỗi CLB chuyên nghiệp hoặc hạng Nhất chỉ được đăng ký một cầu thủ nhập tịch. Cái lý "hạn chế quyền được chơi bóng tại Việt Nam của các cầu thủ nhập tịch" bị đẩy lùi bởi số đông, bởi ý chí của những người cầm chịch nền bóng đá. Đó là điều tốt.

Lúc này, những CLB đang sở hữu nhiều cầu thủ nhập tịch phải giải quyết hợp đồng với số cầu thủ "bỗng nhiên thừa ra". B.Bình Dương, V.Ninh Bình đối diện với tương lai vất vả hơn cả khi sở hữu nhiều cầu thủ nhập tịch. Một số đội bóng khác như Thanh Hóa, Than Quảng Ninh cũng phải gác lại ý định chiêu mộ cầu thủ nhập tịch hoặc làm thủ tục nhập tịch cho những cầu thủ ngoại đã có.

Đất diễn ở V.League lẫn Giải hạng Nhất bị hạn chế nên sẽ có không ít cuộc chia tay bóng đá Việt Nam của các cầu thủ nhập tịch. Cầu thủ nội sẽ có nhiều "đất diễn" hơn để nâng cao chuyên môn, tăng thu nhập từ tiền thưởng. Còn các CLB cũng buộc phải tạo điều kiện hơn cho các cầu thủ nội. Ít ra, đó cũng là điều đáng mừng cho bóng đá Việt Nam, nơi mà người hâm mộ đã chứng kiến quá nhiều nghịch lý từ việc sử dụng cầu thủ gốc nước ngoài.

Sau chuyện cầu thủ nhập tịch, bóng đá Việt Nam sẽ chứng kiến trào lưu sử dụng dạng cầu thủ nào khác hay không? Từ bây giờ đã có ý kiến đề nghị LĐBĐ Việt Nam làm rõ việc cầu thủ Việt kiều và có quốc tịch Việt Nam liệu có được coi là cầu thủ nội hay không. Đó lại là câu chuyện khác…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế đất diễn của cầu thủ “nhập tịch”: Điều phải đến đã đến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.