(HNM) - Việt Nam đã thực hiện cải cách thể chế vài năm nhưng đến nay kết quả chưa được như mong muốn, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong nước và trên trường quốc tế.
Cắt giảm thủ tục hành chính sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người dân, doanh nghiệp, mà còn cho cả nền kinh tế. Ảnh: Linh Tâm
- Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu về cải cách thể chế, ông có nhận xét gì về hướng đi của Việt Nam trong thời gian vừa qua?
- Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thông qua Đề án 30, từ đó đã giảm thiểu những rắc rối liên quan đến TTHC, tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2009 đã tạo ra khung thể chế cho việc đưa ra chính sách, chương trình cải cách. Đặc biệt là luật đã nhấn mạnh vai trò của công cụ đánh giá tác động pháp luật (RIA). Tất cả những điều đó cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có quyết tâm cao. Tuy nhiên, vẫn cần có quyết tâm hơn nữa, triển khai quyết liệt hơn nữa để mang lại lợi ích thực sự cho đất nước.
- Đề án 30 đánh dấu một bước phát triển mới của Việt Nam về cải cách TTHC, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm cần phải được thực hiện nhiều hơn nữa. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Đề án 30 đã đạt được một số kết quả nhất định, giảm khoảng 10% TTHC nhưng nền hành chính Việt Nam vẫn nhiều giấy tờ, rất phức tạp. Tại sao Việt Nam không đặt ra chỉ tiêu lớn hơn là cắt giảm từ 50% đến 70% TTHC, bởi rõ ràng là việc cắt giảm thủ tục sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người dân, doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế. Thực tế thế giới cho thấy, việc cải cách sâu rộng về hành chính sẽ đem lại sự tăng trưởng tốt hơn, giải phóng nguồn lực, tạo việc làm, thúc đẩy cạnh tranh, đem lại sự thịnh vượng cho người dân và cho đất nước. Đặc biệt, trong việc thực hiện Luật Ban hành các VBQPPL, các bộ, ngành cần chú ý hơn trong việc bảo đảm các cán bộ trong ban soạn thảo được cung cấp đầy đủ kiến thức, được tham gia các chương trình tập huấn để họ ứng dụng được vào trong công việc.
- Việt Nam đang có thực tế là số lượng các VBQPPL tăng nhanh, trong khi chất lượng nhiều văn bản chưa bảo đảm. Theo ông, cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Chúng ta phải bảo đảm quá trình áp dụng RIA vào đánh giá tác động của luật được thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ giảm thiểu được những luật không hiệu quả. RIA giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan từ nhiều chiều khác nhau để đánh giá xem là khi đưa ra một luật thì luật đó có đáp ứng yêu cầu đặt ra và sự mong đợi của nhóm mà luật này chi phối hay không. Tôi cho rằng, Việt Nam chưa thực hiện công cụ RIA một cách nghiêm túc, thiếu cơ quan đầu mối, thiếu tiêu chí kiểm soát chất lượng văn bản. Việc lấy ý kiến quần chúng về các văn bản pháp luật vẫn mang tính hình thức, chưa thực sự tìm đến đúng đối tượng có thể cho ý kiến sát thực nên chưa tạo ra thay đổi thực sự về chất. Hơn nữa, cơ quan quản lý thường áp dụng các biện pháp ban hành quy định để xử lý các phát sinh mà chưa chú trọng tới các giải pháp thị trường để điều tiết.
- Các giải pháp thị trường - đây là mong muốn của các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế khi thực hiện giải pháp này. Vậy theo ông, điểm nghẽn ấy ở đâu và Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp hữu hiệu nào?
- Trong cải cách thể chế, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, đang chuyển từ hệ thống cai trị sang một nền kinh tế thị trường hóa. Tuy nhiên, tôi có cảm giác Việt Nam đang bị "tắc" ở giữa giao thoa của nền kinh tế bao cấp và chuyển hướng sang kinh tế thị trường. Điều này khiến chúng ta phải hướng đến một công cuộc cải cách rộng rãi hơn, sâu sắc hơn. Theo tôi, Nhà nước còn can thiệp khá sâu vào nhiều vấn đề không cần thiết phải can thiệp như kiểm soát về giá. Tất nhiên là một số lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng cần có chính sách hiệu quả để bảo đảm vai trò điều phối, quản lý của Chính phủ, nhưng trong các vấn đề thị trường bán lẻ hay thương mại đơn thuần thì hãy để cho thị trường tự điều phối. Lúc đó Nhà nước có thể đóng vai trò duy trì hoặc hỗ trợ mang tính chất bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả chứ không cần can thiệp thái quá. Hãy để thị trường tự hoàn thiện và hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết từ phía Nhà nước. Nếu làm được việc đó thì khi ra các chính sách sẽ bảo đảm các chính sách đạt yêu cầu và bảo đảm có một thị trường cạnh tranh hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.