(HNM) - Mặc dù có hàng loạt câu hỏi, tập trung vào 3 nhóm vấn đề, song có thể thấy nội dung phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nổi lên hai vấn đề sau rất đáng để suy ngẫm:
Thứ nhất, đó là cuộc "khủng hoảng thừa" nông sản (trước đây là dưa hấu, chuối... và mới xảy ra với thịt lợn).
Thứ hai, đó là việc tiến hành tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Hai vấn đề, một cũ và một mới, đều đang nóng bỏng.
Về cuộc "khủng hoảng thừa" thịt lợn, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân chính là thời gian qua, sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh (ngoài thịt lợn còn cả sữa, cá, trứng...) dẫn tới cung vượt cầu. Đồng thời, việc tổ chức ngành hàng, thị trường chưa tốt, liên kết sản xuất - chế biến kém, dẫn tới chủ yếu tiêu thụ thịt tươi, không phù hợp thực tế...
Đáng suy ngẫm ở chỗ "khủng hoảng thừa" không phải vấn đề mới mà đã nhiều lần xảy ra với dưa hấu, mía đường, rồi có lúc là cà phê, ca cao, chuối... Mỗi lần như vậy, hậu quả về kinh tế - xã hội, trực tiếp và trước hết với người nông dân, đều hết sức nặng nề.
Về việc tiến hành tái cơ cấu, thông tin đáng chú ý là đã giải ngân được khoảng 30 nghìn tỷ đồng thuộc gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đồng thời, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, không có cơ chế xin - cho trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Để tạo chuyển biến rõ rệt, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo "đột phá".
Hai vấn đề, một cũ và một mới, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và để giải quyết một cách căn cơ đều không dễ. Điểm mấu chốt ở chỗ phải thực hiện có hiệu quả những giải pháp đã được chỉ ra, đó là:
Trước hết, phải hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, khoa học - công nghệ...
Thứ hai, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh lớn.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các vùng, ngành, thậm chí của sản phẩm, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Thứ năm, mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông. Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học...
Tuy nhiên, một câu hỏi cũng cần đặt ra là ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện vai trò điều phối - vai trò "nhạc trưởng" - như thế nào trong triển khai những định hướng lớn này? "Vượt rào", phá vỡ quy hoạch... ở không ít lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt là chuyện đã từng xảy ra tại không ít địa phương trên cả nước. Thực tế, ngành Nông nghiệp chỉ quản lý được bằng cơ chế, chính sách, quy hoạch chung và các giải pháp mang tính chuyên môn, kỹ thuật... Sâu sát nhất với khâu tổ chức sản xuất lại là các địa phương.
Chính các địa phương cần tuân thủ quy hoạch, định hướng sản xuất, dứt khoát không để tình trạng "thấy người ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào". Đồng thời, chính các địa phương phải thực sự cùng với ngành Nông nghiệp sát cánh trong việc "cởi trói" cho sản xuất, trước hết là các rào cản liên quan thủ tục, quỹ đất, vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người làm nông nghiệp cần bám sát thông tin của cơ quan quản lý. Vì còn tình trạng "thấy người làm được, mình cũng làm" thì "khủng hoảng thừa" vẫn còn nóng bỏng.
Thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, hẳn nông sản Việt Nam sẽ có vị thế xứng đáng và người nông dân sẽ bớt đi cảnh bấp bênh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.