(HNM) - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức ngày 17-3, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí.
Theo ông Trần Đức Cường, ngày 15-3, phía Trung Quốc có thông báo gửi Ủy ban sông Mê Kông các nước Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia, cho biết kế hoạch xả nước từ công trình thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), từ ngày 15-3 đến 10-4 nhằm cứu hạn cho hạ lưu sông Mê Kông. "Việt Nam có thể sử dụng được từ 27% đến 54% lượng nước. Ngày 16-3, Ủy ban đã khuyến cáo, phải tăng cường vai trò điều phối của Ủy hội sông Mê Kông trong việc giám sát, sử dụng nguồn nước này" - ông Trần Đức Cường cho biết.
Cũng theo ông Trần Đức Cường, tình trạng khô hạn diễn ra trên toàn lưu vực sông Mê Kông, không riêng Đồng bằng sông Cửu Long. Khô hạn tại Lào, Thái Lan cũng rất nặng nề. Do vậy, các quốc gia này hoàn toàn có thể sử dụng nguồn nước từ thượng nguồn về trước Việt Nam, nên Ủy hội sông Mê Kông phải đóng vai trò điều phối chung, bằng cách yêu cầu các quốc gia trên lưu vực sông Mê Kông sử dụng nguồn nước với ưu tiên cao nhất là chống hạn. Tuyệt đối không sử dụng nguồn nước quý giá này cho mục đích khác, không được chuyển sang các lưu vực khác. Đặc biệt, không được lưu trữ nước này trên các hồ chứa, bậc thang thủy điện, kể cả trên dòng chính và dòng nhánh. Ủy hội cũng khuyến cáo các nước tạo điều kiện tốt nhất cho dòng chảy, bằng cách dọn vật cản để nước có thể xuống hạ lưu thuận lợi nhất. "Nếu mọi việc thuận lợi, cũng không dưới hai tuần, nguồn nước này mới về đến Việt Nam và cứu hạn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, các địa phương vẫn cần tiếp tục triển khai các biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn khác như: Nạo vét kênh mương, điều tiết công trình thủy lợi ngăn mặn, tranh thủ các thời điểm thuận lợi để lấy và trữ nước ngọt" - ông Trần Đức Cường nhấn mạnh.
Nhiều trà lúa xuân hè trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng do hạn hán kéo dài. |
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra ở mức độ cao tại 9/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Tuệ cho biết, toàn lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lượng mưa thấp ở mức lịch sử. Trong tháng 2-2016 hầu như không có mưa nên ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy chính sông Mê Kông. Khi lượng mưa ít, nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia trong lưu vực tăng, nên nguồn nước vào Việt Nam càng ít, hạn hán diễn ra nghiêm trọng. Mùa lũ năm 2015 rất nhỏ dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp đầu mùa khô từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp lịch sử. Dự báo, đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 là đỉnh điểm của mùa khô, tình hình sẽ còn nguy cấp hơn nữa.
Ông Trần Đức Cường thông tin thêm, nguyên nhân chính tác động đến lưu lượng nước sông Mê Kông là ở các công trình thủy điện trên dòng chính khu vực hạ lưu và một số công trình tại Vân Nam. Các công trình này gây tác động ngắn hạn và khá nghiêm trọng, làm suy giảm dòng chảy trong mùa khô.
Trong khi nguồn nước ngọt bị suy giảm nghiêm trọng, thì do tác động của triều cường nên năm nay mặn lại xâm nhập sớm, sâu hơn so với cùng kỳ năm 2015 và luôn ở mức cao hơn so với mức trung bình nhiều năm. Theo số liệu tháng 1-2016, ranh mặn 4g/1 tại khu vực cửa các sông Nam Bộ và vào sâu trên 50km, có nơi trên 75km (trạm Tân An trên sông Vàm Cỏ Tây). Đến đầu tháng 2-2016, do tác động của thủy triều và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh trên Biển Đông, độ mặn tăng rất cao và xâm nhập sâu. Có những nơi trước đây gần như không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, như Vĩnh Long, Hậu Giang, thì nay đã có số liệu báo cáo độ mặn lên tới 9g/1.
Nói về hướng giải quyết lâu dài, ông Trần Đức Cường cho biết: "Ba năm qua, Chính phủ đã giao Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả châu thổ sông Mê Kông của Việt Nam - Campuchia. Nghiên cứu mới hoàn thành vào tháng 12-2015 và chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ". Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra những giải pháp căn cơ, bền vững để giải quyết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.