Chiều 11-6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai tham dự phiên họp.
Thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô
Báo cáo cho ý kiến vào hai quy hoạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, đề nghị tiếp tục rà soát nội dung của Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm phải cụ thể hóa đầy đủ, chính xác, phù hợp và thống nhất với các quy hoạch cấp cao hơn trong hệ thống quy hoạch (như: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo vệ môi trường; Quy hoạch mạng lưới trường đại học; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng…).
Về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá, số liệu cụ thể đối với hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, làm rõ hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, quỹ đất dành cho giao thông thấp, nhất là giao thông tĩnh; tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải; việc liên kết giữa các ngành với nhau...
Quy hoạch dành nhiều dung lượng để phân tích về nội dung văn hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” nhưng các chỉ tiêu về văn hóa lại không được đề cập nhiều trong phần này (chỉ có một mục tiêu về số trung tâm văn hóa thông tin và thể thao). Tương tự, các chỉ tiêu về môi trường cũng chưa đề cập đến các chỉ tiêu về chất lượng không khí là chỉ tiêu được quan tâm hằng ngày của người dân.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý để việc lựa chọn ngành quan trọng cần bảo đảm phải tương ứng với các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển, tránh dàn trải gây khó khăn trong việc xây dựng danh mục dự án dự kiến ưu tiên đầu tư. Đề nghị chuyển nội dung về bố trí không gian cho các công trình, dự án quan trọng và xây dựng phương án kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng của Thủ đô Hà Nội với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và vùng về phương án phát triển kết cấu hạ tầng tương ứng.
Đối với điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, còn một số nội dung dự báo, dự kiến (như dự báo về dân số) mới chỉ xác định đến năm 2050 thay vì đến năm 2065 theo tầm nhìn quy hoạch, do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung, làm rõ.
Về định hướng phát triển không gian và quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải là quy hoạch cấp dưới, cụ thể hóa và phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và không trùng lặp về mức độ chi tiết với quy hoạch cấp dưới là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Về thực hiện quy hoạch, đề xuất, kiến nghị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô: Đề nghị rà soát lại các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm của thời kỳ quy hoạch; đề nghị rà soát, chỉnh lý cho phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cơ bản phù hợp, thống nhất với các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề cập đến các định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có những nội dung yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô chưa có nội dung định hướng chung về vấn đề này.
Lấy ý kiến Quốc hội là cơ hội rất lớn để hoàn thiện các quy hoạch
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng Thủ đô trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, tạo sức lan tỏa; góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Theo đó, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, khoa học, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao dự thảo hai quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, chất lượng, toàn diện. Nêu thêm một số vấn đề quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các quy hoạch phải bảo đảm giải quyết được những vấn đề người dân quan tâm về giao thông, thoát nước; bảo đảm quy hoạch mạng lưới các trường học để công dân Thủ đô cho con em tiếp cận giáo dục đầy đủ và tốt nhất. Bên cạnh đó, việc sắp xếp các trường đại học đã có quy định nhưng cơ chế thực hiện chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu thêm cơ chế trong các quy hoạch để thực hiện vấn đề này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, qua rà soát cho thấy, hai bản quy hoạch này có nhiều nội dung trùng lặp, chưa thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết, do đó, có thể dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn và gây khó khăn trong việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan lập, thẩm định các quy hoạch này cần có sự phối hợp chặt chẽ để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm nguyên tắc Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là quy hoạch cụ thể hóa, chi tiết hơn Quy hoạch Thủ đô và việc điều chỉnh phải thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Tiếp thu các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi Quốc hội cho ý kiến về hai quy hoạch, thành phố sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được lấy ý kiến Quốc hội là cơ hội rất lớn khi lần đầu tiên, tất cả đại biểu các tỉnh, thành phố, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực sẽ trực tiếp góp ý hoàn thiện quy hoạch. “Việc Quốc hội cho ý kiến sẽ đưa ra được những phương án tối ưu nhằm triển khai thực hiện các quy hoạch”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hai nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô là nội dung rất quan trọng về định hướng phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài theo chủ trương của Đảng, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Thủ đô và cả nước.
“Đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ, tờ trình trình Quốc hội cho ý kiến” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.