Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hải Phòng - Chiếc nôi nuôi dưỡng học sinh miền Nam

THUHANG| 05/11/2004 10:42

Vừa qua, một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa và cảm động giữa các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trung ương và địa phương, cán bộ ngành giáo dục được diễn ra tại Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Tiệp - Tp. Hải Phòng nhân kỷ niệm 50 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2004), nhưng ít ai biết Hải Phòng là cái nôi lớn nhất của học sinh miền Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy.

Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ cựu học sinh miền Nam học tập  trên đất Bắc

Vừa qua, một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa và cảm động giữa các cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trung ương và địa phương, cán bộ ngành giáo dục được diễn ra tại Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Tiệp - Tp. Hải Phòng nhân kỷ niệm 50 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2004), nhưng ít ai biết Hải Phòng là cái nôi lớn nhất của học sinh miền Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy.

Những năm từ 1954 đến 1975, gần 30.000 con em đồng bào miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau đã được rèn luyện và trưởng thành dưới mái trường miền Bắc, trong đó Hải Phòng là một trong 10 tỉnh thành miền Bắc đón tiếp, nuôi dưỡng học sinh miền Nam nhiều nhất. Ngay sau ngày tiếp quản thành phố (13-5-1955), Hải Phòng tiếp nhận hai phần ba trong khoảng 2 vạn số học sinh miền Nam ra Bắc học.

Thời kỳ đó, Hải Phòng còn có tên gọi thân thương là "thành phố học sinh miền Nam" vì cứ đến ngày lễ, chủ nhật, những học sinh miền Nam trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng đông đúc, nhộn nhịp trên khắp các đường phố, trong rạp hát, công viên... Mặc dù công việc sau những ngày giải phóng thành phố còn bộn bề, gian khó, nhưng lãnh đạo và nhân dân thành phố Hải Phòng luôn nhớ lời dạy bảo quý báu của Bác Hồ: "Miền Nam là máu của Việt Nam, là thịt của Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", đã tạo mọi điều kiện về giảng dạy, học tập, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, tạo cho các em cảm giác ấm cúng, thân thuộc như ở trong gia đình.

Những địa điểm được chọn nuôi dưỡng học sinh miền Nam hầu hết đều rộng rãi, ở khu phố lớn, gần trung tâm. Thị xã Kiến An có một lâu đài đồ sộ mới xây dựng, có vườn hoa, hồ nước rất đẹp định làm trụ sở Đảng bộ, nhưng sau đó lại dành cho Trường học sinh miền Nam cấp 1. Phía cầu Rào, bên cạnh một dòng sông xanh mát hiền hòa là khu trường HSMN số 19, 21. Cuối đường Trần Phú nhộn nhịp đông vui là trường HSMN số 8 và số 14. Trung tâm thành phố, dọc đường Trần Phú, có dãy lầu đẹp nép mình bên dòng sông Lấp anh hùng là trường nữ sinh số 6, trường số 13 chiếm gần hết một một phần ba đường phố Hoàng Văn Thụ. Dọc đường Điện Biên Phủ về phía Cảng chính Hải Phòng là trường số 4 lớn nhất nhì thành phố. Phía ngã sáu đường Võ Thị Sáu có hai trường số 11 và số 18, trường 11 dành riêng cho các em gái cấp 1, trường 18 lại nằm trong khuôn viên của biệt thự cao 2 - 3 tầng của người Pháp trước kia. Trường số 17 dành riêng cho con em người Việt gốc Hoa là một tòa nhà khá đẹp gần trung tâm. Hải Phòng còn dành riêng một bệnh viện lớn nằm ngay sau ga Hải Phòng để chữa bệnh, điều trịcho HSMN khi ốm đau.

Ngay cả trong những năm 70, Hải Phòng là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt nhất của máy bay Mỹ, nhưng HSMN vẫn được bảo đảm an toàn, được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, được chở che, đùm bọc trong vòng tay yêu thương của đồng bào miền Bắc, của nhân dân Hải Phòng.

Miền Bắc nói chung và Hải Phòng nói chung đã trở thành ngôi nhà thân yêu của nhiều thế hệ học sinh miền Nam, thật sự là nơi đào tạo, bồi dưỡng một cách toàn diện cả về kiến thức văn hóa, nhân cách đến lý tưởng cách mạng. Hàng trăm, hàng nghìn HSMN được vào học ở các trường đại học trong và ngoài nước. Nhiều thế hệ học sinh miền Nam qua các trường đất Bắc đã trưởng thành, hiện giữ những cương vị cao cấp trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, nhiều người đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhiều người trở về Nam tiếp tục chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Ôn lại những kỷ niệm thời chiến tranh khốc liệt ấy, những học sinh miền Nam trước đây giờ đã trưởng thành, xúc động nói lên lòng biết ơn sâu nặng đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhắc lại những tình cảm, sự chăm sóc của đồng bào miền Bắc, của nhân dân Hải Phòng trong hoàn cảnh vừa phải chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của kẻ địch, vừa tích cực lao động sản xuất để chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam mà vẫn hết lòng thương yêu đùm bọc những con em đồng bào miền Nam.

Thu Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Phòng - Chiếc nôi nuôi dưỡng học sinh miền Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.