Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai mặt của ”vàng”

Bình Nguyên| 05/12/2014 05:49

(HNM) - Tại hội nghị Báo chí với các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) vừa phối hợp tổ chức, những thông tin về cơ cấu dân số "vàng" của nước ta lại một lần nữa được đề cập.

Trên thực tế, theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, nước ta đã bước vào thời kỳ dân số "vàng" được một thời gian - từ năm 2010 và thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" sẽ kéo dài trong khoảng 30 năm với đối tượng người trẻ tuổi hiện chiếm khoảng 40% dân số, tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Vấn đề nằm ở chỗ, khoảng thời gian này không phải là dài cũng như cơ hội và thách thức không phải là nhỏ.

Dân số "vàng" là thời kỳ mà trong cơ cấu dân số, người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao hơn số người phụ thuộc. Mặt tích cực của giai đoạn này là nguồn lao động dồi dào - trong điều kiện nước ta là giá nhân công rẻ - nên có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh khi chỉ vài năm nữa là đến thời điểm nước ta phải đạt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Cũng theo đại diện UNFPA, Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, như ở trên đã đề cập, thách thức ở ngay cơ cấu dân số "vàng" không hề nhỏ. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động luôn là những vấn đề nóng. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, năng suất lao động của Việt Nam được xếp vào loại thấp trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 13,2% của Nhật Bản, 12% của Singapore, 37% của Thái Lan... Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, những vấn đề nóng này tiếp tục được bàn thảo ở nghị trường. Nhiều đại biểu Quốc hội không khỏi lo lắng khi Việt Nam là một trong những nước có năng suất lao động rất thấp trong khu vực. Bài toán cung - cầu lao động, sự bất cập giữa đào tạo với sử dụng lao động, giải quyết việc làm cũng cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, nhiều đại biểu QH thẳng thắn đưa ra con số 174.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm trong quý III năm 2014. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên ra trường tìm được việc làm nhưng không "lớn" được vì làm không đúng ngành nghề, người lao động không sống được bằng lương, thất nghiệp gia tăng. Và cũng trong buổi chất vấn người đứng đầu ngành lao động - thương binh và xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Việc đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều trường, ở cả nông thôn và đô thị chưa có hiệu quả cao. Dự báo công tác đào tạo chưa chính xác nên xảy ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc.

Có cơ cấu dân số "vàng" mà không tận dụng được những mặt tích cực, ngược lại yêu cầu tăng năng suất lao động, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lại trở nên cấp thiết thì thách thức sẽ lớn hơn cơ hội rất nhiều. Những hệ lụy xã hội sẽ trở nên trầm trọng nếu tình trạng thất nghiệp gia tăng bởi kéo theo những gánh nặng đối với Nhà nước về an sinh xã hội. Theo các chuyên gia, chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách để khai thác hết tiềm năng nguồn nhân lực với đặc thù cơ cấu lao động giản đơn, giá rẻ; hoạt động giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề mất cân đối... Vì vậy, có thể nói, ở thời điểm này, mặt trái, điều đáng lo ngại của cơ cấu "vàng" trong dân số nhiều hơn mặt tích cực.

Hai mặt của "vàng" trong cơ cấu dân số và những hệ quả, mặt trái đã được cảnh báo. Câu trả lời cho vấn đề này cũng đã rõ. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào chính quyết tâm của cơ quan chức năng mà trước hết là hai ngành lao động - thương binh và xã hội và giáo dục - đào tạo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai mặt của ”vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.