Góc nhìn

Không đánh mất cơ cấu dân số vàng

Hà Trang 21/08/2024 - 06:35

Những năm qua, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, công tác dân số hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững; chưa có giải pháp đồng bộ, toàn diện thích ứng với tình trạng già hóa dân số; tuổi thọ trung bình cao, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp; chất lượng dân số chậm được cải thiện...

Theo thống kê, năm 2023, số con trung bình của một phụ nữ Việt Nam là 1,96, thấp nhất trong 63 năm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới. Đáng lo ngại là chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với già hóa dân số. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong ở bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Khi mức sinh giảm thấp dẫn tới suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số; suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư; đẩy nhanh quá trình già hóa dân số…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 15-8-2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số.

Được biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Dân số, trong đó có nhiều chính sách được đề xuất thay đổi để phù hợp với tình hình, bối cảnh dân số hiện nay. Trong khi chờ chính sách mới, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp nhằm khuyến khích sinh đủ hai con tại các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước, phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số.

Người dân mong đợi sớm có những chính sách sát thực tiễn đời sống như: Được hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ... Bên cạnh đó, cũng cần có sự đột phá trong việc ban hành chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con. Các cặp vợ chồng có quyền quyết định trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Theo các chuyên gia, nếu quy định để người dân có thể chủ động về thời gian sinh con, số lượng con… thì tình trạng mức sinh thay thế giảm có thể được khắc phục phần nào, cùng với đó là khuyến khích được việc sinh đủ 2 con tại những tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp.

Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… sẽ góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đánh mất cơ cấu dân số vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.