(HNM) - Dù quý I-2017, cả nước có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I-2017, đã có 26.478 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng vốn 271.000 tỷ đồng, tăng 11,4% về số DN và 45,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, còn có hơn 9.000 DN tạm dừng hoạt động quay lại thương trường. Nhìn chung, DN đăng ký thành lập mới tăng đều ở tất cả các vùng, lĩnh vực là kết quả cao nhất trong cùng kỳ 6 năm gần đây.
Sự tính toán kỹ trước khi thành lập sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro trên thị trường. Ảnh: Thái Hiền |
Thực tế đó thể hiện tinh thần đổi mới, cải cách, kiến tạo, phục vụ DN của Chính phủ đang phát huy tác dụng; môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận tiện và phong trào khởi nghiệp đang diễn ra trên diện rộng. Việc có thêm nhiều DN ra đời, đi vào hoạt động sẽ là nguồn lực đầu vào quan trọng cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, điều quan trọng là sự chuyển biến tích cực từ các cơ quan chức năng đã tạo ra tác động lan tỏa đến xã hội, nhất là giới doanh nhân. Nhiều DN đã tin vào công cuộc cải cách, chủ động tham gia đóng góp ý kiến, tham vấn cấp điều hành với tinh thần cởi mở hơn trước. Trách nhiệm của cơ quan chức năng, bộ máy hành chính và nhất là người đứng đầu đã có sự xác định rõ ràng.
Ngược lại, trong quý I-2017 cũng chứng kiến hơn 20.600 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy một bộ phận không nhỏ DN đã và đang đối diện với khó khăn, do quy mô nhỏ, tiềm lực yếu nên ngay khi mới “khai sinh” đã không thể trụ vững trước sức ép, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Đây là một thực tế đáng suy ngẫm, cần được phân tích, nhìn nhận một cách thấu đáo.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, xét về quy luật thì luôn có những DN mới thành lập, đi vào hoạt động, là nguồn lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhưng đồng thời, thị trường cũng luôn tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt, khi DN yếu kém, không thể tiếp tục tồn tại thì đương nhiên phải rút lui. Đó là sự đào thải tự nhiên để chọn lọc, giữ lại những DN có đủ sức mạnh, xứng đáng tồn tại trên thị trường.
Ngoài ra, các DN chấp nhận rút khỏi thị trường khi phải đối diện với những thách thức, bất lợi ngày càng đa dạng, phức tạp và xuất phát từ cả khách quan, chủ quan. Đơn cử, một bộ phận DN trẻ quyết định khởi nghiệp chỉ đơn giản bằng lòng đam mê, niềm tin vào sự thành công trong khi nội lực lại có hạn. Đặc biệt, không ít người trong số đó còn lúng túng khi phải làm chủ DN một cách thật sự, nhất là trước yêu cầu, đòi hỏi về năng lực quản lý, phương cách ứng phó, vượt khó khi có vấn đề xảy ra.
Trong khi đó, sự cải thiện về chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh mặc dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng dường như vẫn chưa thỏa mãn hết mong muốn của DN và Chính phủ. Như đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì vẫn còn một bộ phận công chức, cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm phục vụ DN. Chỉ một thái độ thờ ơ, thiếu thiện chí của người cán bộ cũng có thể làm vuột mất cơ hội, thậm chí dẫn đến thiệt hại cho DN, đẩy DN vào tình thế bất lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.