(HNMO) – Chiều 16-3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về tên gọi của dự án luật, Thường trực Ủy ban tiếp thu đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án luật.
Đối với quy định Liên đoàn Hợp tác xã, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo luật. Đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.
Về tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh hợp tác xã, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy ý kiến các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng, việc quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật là cần thiết. Do đó đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung quy định về tổ chức đại diện và hệ thống Liên minh hợp tác xã, giữ lại các nội dung quy định về hệ thống Liên minh hợp tác xã tại Luật Hợp tác xã năm 2012.
Về Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và thể hiện theo hướng phân định rõ các nguồn hình thành Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cũng như đưa ra các nguyên tắc xử lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia theo nguồn hình thành khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đến nay, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cơ bản thống nhất nhiều nội dung cơ bản của luật và dự thảo luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.
Về chính sách tiếp cận vốn trong dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất kinh doanh, kể cả về năng lực tài chính và hiệu quả của dự án, những tài sản hình thành sau đầu tư có thể dùng thế chấp vay vốn.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện nay, nguyện vọng của những cán bộ, nhân viên của hợp tác xã là khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Đây cũng là nội dung chính trong chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu quy định cụ thể các trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dự thảo luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã bởi đây là nội dung vướng nhưng dự thảo luật chưa đề cập đến.
Đối với quy định Liên đoàn Hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, Nghị quyết số 20-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” nêu chủ trương nghiên cứu xây dựng thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị chưa nên luật hóa, nên thực hiện thí điểm một số Liên đoàn Hợp tác xã.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến, phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới, hoàn thiện báo cáo giải trình, hồ sơ dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ năm.
* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) và xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.