(HNM) - Sáng 27-5, đã diễn ra hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2013 với chủ đề
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra hai kịch bản cho khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013 và nêu ra một số khuyến nghị chính sách trong điều hành vĩ mô, nhằm từng bước đưa nền kinh tế vượt khó và hy vọng vào sự hồi phục trong thời gian tới.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Trung Kiên |
Khó khăn tích tụ
Nhóm tác giả của Báo cáo đã nhấn mạnh, bức tranh kinh tế vẫn thiếu màu sáng và đang dự cảm về một mối lo ngại nền kinh tế khó có thể hồi phục trong tương lai gần. Thị trường thế giới hiện chưa lấy lại đà tăng trưởng, với sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế dẫn đến suy giảm tổng cầu, thắt chặt chi tiêu từ cấp quốc gia đến người tiêu dùng. Đó là điều kiện bất lợi cho các nước có độ mở cao, ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Ngay sau khi hoàn tất quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ rõ những điểm yếu nội tại, vốn lưu cữu từ lâu, như sự phát triển kinh tế theo chiều rộng, lệ thuộc chủ yếu vào vốn đầu tư, đầu tư dàn trải, hạn chế trong chất lượng điều hành… Kết quả là giai đoạn 2002-2007, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, GDP cả nước đạt mức tăng trung bình 7,8%/năm, lạm phát 7,35%/năm. Giai đoạn 2008 (tức là sau khi gia nhập WTO) đến nay, mức tăng trưởng GDP bình quân chỉ còn 5,8%/năm, nhưng mức lạm phát lại tăng lên 11,5%/năm. Những số liệu trên thể hiện sự bị động của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, chủ biên Báo cáo, thực tế trên cho thấy, sức mạnh kinh tế Việt Nam chậm được cải thiện, sức cạnh tranh thấp xét cả ở góc độ doanh nghiệp (DN) và sản phẩm; tăng trưởng thiếu tính bền vững. DN trong nước chưa tận dụng được các cơ hội do hội nhập WTO mang lại. Nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc cần tăng tốc cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế triệt để.
Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế
Nhóm nghiên cứu đưa ra hai kịch bản cho khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013. Thứ nhất, GDP có thể tăng ở mức thấp là 5,04% nếu không có sự kích thích đúng hướng và cộng đồng DN phục hồi chậm. Kịch bản thứ hai, GDP tăng khoảng 5,35% khi giá đầu vào cho sản xuất hạ thấp hơn hiện tại hoặc đứng ổn định ở mức hợp lý kết hợp với sự "ấm dần lên" của thị trường trong và ngoài nước. Mức lạm phát cả năm nay được dự báo khoảng 4,95-6,64% và là mức thấp so với các năm trước.
Các chuyên gia nhận định, dù diễn ra theo kịch bản nào thì mức tăng trưởng của năm nay cũng thấp hơn mong muốn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao đạt được mức tăng trưởng như trên thông qua những quyết sách, chỉ đạo điều hành vĩ mô phù hợp, linh hoạt trong điều kiện cụ thể. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn gợi ý, nền kinh tế nước ta ngày càng hướng về xuất khẩu cũng như phụ thuộc vào kết quả xuất khẩu. Vì vậy, Chính phủ cần lưu ý đến việc hỗ trợ cho hoạt động này thông qua những chính sách hợp lý, kịp thời. Bên cạnh đó, cũng nên quan tâm thỏa đáng đến việc từng bước xóa bỏ sự chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước nhằm nâng cao vị thế DN nội. Thời gian tới, nên đầu tư thỏa đáng cho việc đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ cao để tiến tới xóa bỏ tình trạng sử dụng công nghệ cũ, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm - vốn là hạn chế của hàng hóa Việt hiện nay. Năm 2013 và những năm tiếp theo, Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu để tạo sức cạnh tranh mới cho nền kinh tế, cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng bền vững trong thời hội nhập.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ và cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng, tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản cũng như nợ của các DN nhà nước. Đây là những khoản nợ hoặc đọng vốn rất lớn, được ví như những "cục máu đông", nên phải kiên quyết gạt bỏ, xử lý một cách khôn ngoan, tránh hệ lụy dây chuyền sang các lĩnh vực khác. Ông Doanh cũng khuyến cáo về việc nhanh chóng chuyển đổi tư duy trong sản xuất theo hướng nhằm vào những ngành và sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, tuyệt đối tránh tình trạng chấp nhận làm các loại hàng mà các nước khác đã "bỏ rơi". Đặc biệt, DN cần kiên quyết từ bỏ cách làm cũ, lạc hậu là khai thác tài nguyên rồi xuất khẩu nguyên liệu thô, rồi sau đó lại nhập khẩu các loại thành phẩm của các nước láng giềng. Để thực hiện điều này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan và hỗ trợ, định hướng của Chính phủ.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cơ quan chức năng sớm hình thành thị trường và tổ chức chuyên mua bán nợ và tài sản để làm đầu mối, công cụ xử lý các khoản nợ; từ đó phục vụ mục tiêu tái cơ cấu, lành mạnh hóa hoạt động tài chính - ngân hàng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lưu ý đến sự vận động, cạnh tranh quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang gia tăng mạnh trong khu vực, với nhân tố mới là Myanmar để chủ động cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện danh mục dự án để "gọi" đầu tư đúng định hướng, chú trọng thu hút công nghệ mới, dự án có sản phẩm xuất khẩu hoặc giá trị gia tăng cao… Nhìn chung, các chuyên gia nhận định là chưa thể lạc quan về nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.