Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài hòa lợi ích chung - riêng

Thế Nguyên| 03/12/2016 06:43

(HNM) - Lâu nay, một trong những điểm nghẽn cản trở tiến độ nhiều dự án hạ tầng cơ sở nói chung, dự án giao thông nói riêng, tại nhiều địa phương là vấn đề giải phóng mặt bằng.

"Mẫu số chung" này đã xảy ra với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Công trình dài khoảng 25,7km, trước đây được "chốt" tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến trước ngày 31-12-2016, tuy nhiên do "vướng" mặt bằng nên đã được lùi tiến độ đến cuối tháng 4-2017. Dù vậy, nhìn vào khối lượng công việc đồ sộ còn lại - trước hết liên quan tới điểm nghẽn đề cập ở trên - có thể thấy có rất nhiều "hạng mục" phải thi công trước khi dự án được thi công thực sự, đó là: Tổng diện tích mặt bằng trên địa phận Hà Nội đã bàn giao cho nhà đầu tư mới đạt 14,6ha (tương đương 47,5%) song diện tích đủ điều kiện thi công chỉ khoảng 8,8ha (tương đương 60%)... Và trên địa phận tỉnh Hòa Bình, vẫn còn 3% khối lượng giải phóng mặt bằng chờ... hoàn tất.

Không hoàn tất thi công sớm, triệt để những "hạng mục" này, tiến độ dự án sẽ còn ì ạch, chậm trễ và cái mốc đã được gia hạn có thể lại bị đẩy lùi. Dự án không về đích đúng hẹn không chỉ gây ra những hệ lụy như ảnh hưởng tới đời sống của người dân khu vực dự án đang triển khai mà còn gây thiệt hại, lãng phí nguồn lực đầu tư... Đồng thời, dự án chậm ngày nào thì thêm ngày đó các địa phương nằm trong vùng tác động sẽ chậm được thụ hưởng lợi ích dự án mang lại, đó là góp phần hình thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình và các địa phương trong khu vực.

Hiến pháp cũng như các luật chuyên ngành đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp cần thiết nhằm phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng... Với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, hơn bao giờ hết, chính người dân khu vực tuyến đường đi qua - những người thụ hưởng lợi ích một cách trực tiếp hoặc gián tiếp - cần quán triệt tinh thần này để từ đó có sự đồng thuận, ủng hộ. Thứ hai, các cấp chính quyền các huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội) cần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó, các phương án thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cần được triển khai thực hiện trên cơ sở công khai, minh bạch một cách triệt để nhằm bảo đảm tối đa mọi quyền lợi của đối tượng chịu tác động. Cũng chính các cấp chính quyền, căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hà Nội nên chăng cùng với phương án bồi thường, hỗ trợ người dân tái định cư, có phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân tạm thời chưa có nghề, chưa có việc do "nhường" đất cho dự án. Ở góc độ nhà thầu, phải đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn tuyến có mặt bằng sạch và cần sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật lực để thi công với 200%, 300%... công suất khi có thêm mặt bằng mới, bù đắp cho giai đoạn chậm tiến độ.

Quyền, lợi ích của mỗi người dân được bảo đảm thì tất yếu tuyệt đại đa số người dân sẽ đồng thuận, ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng nói chung, dự án giao thông - trong đó có công trình cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình nói riêng. Khi đó, lợi ích chung mà dự án mang lại sẽ có "điều kiện" tác động tích cực tới cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hài hòa lợi ích chung - riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.