(HNMO) - Chiều 8-5, triển lãm mỹ thuật “Câu chuyện bản sắc và hội nhập” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại nhà triển lãm 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Đây là sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5), nhằm khuyến khích cán bộ, giảng viên, nghệ sĩ, sinh viên nhà trường tích cực tham gia sáng tạo khoa học.
Triển lãm gồm 40 tác phẩm của 31 tác giả là các giảng viên nhà trường, với mong muốn đi tìm câu trả lời cho vấn đề làm sao để hài hòa giữa bản sắc dân tộc và sự hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Các tác phẩm hầu hết được thực hiện trong những năm gần đây, khá đa dạng về hình thức, như hội họa, đồ họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic, in kẽm, khắc gỗ, tổng hợp…
Nhiều tác phẩm về sinh hoạt, nét văn hóa, tín ngưỡng, hình tượng hoa cỏ, mô típ dân gian truyền thống được thể hiện bằng thủ pháp mới, như phóng to, thu nhỏ, lồng trong không gian siêu thực, lập thể… tạo cảm giác mới lạ cho người xem. Có thể kể đến như tranh acrylic “Đô thị” (Lê Văn Sửu), thiết kế “Biển phố Hàng Mã” (Trần Hậu Yên Thế), tranh in lưới “Con người” (Vương Trọng Đức), tranh tổng hợp “Giao diện” (Nguyễn Nghĩa Phương), nhiếp ảnh phù điêu “5 năm sau” (Nguyễn Thế Sơn)…
Tại triển lãm, những vấn đề của xã hội đương đại được bày tỏ trực diện: Nhận thức, quan điểm của thế hệ trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa; sự biến đổi của đô thị với mặt được và chưa được; vấn đề mưu sinh ở đô thị; đồ ăn nhanh chiếm chỗ trong đời sống; sự tiện lợi, hỗ trợ đời sống của các sáng tạo hiện đại… Thông qua đây, các giảng viên, nghệ sĩ muốn gửi gắm thông điệp về việc hội nhập để phát triển song song với giữ gìn bản sắc dân tộc.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 18-5, sẽ thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và công chúng yêu mỹ thuật, đồng thời cho thấy những sáng tạo, đổi mới của các giảng viên nhà trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.