Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai giải pháp đột phá cho nông nghiệp

Đào Huyền| 11/02/2011 05:07

(HNM) - Khu vực nông thôn là nơi sản xuất và cung ứng chủ yếu lương thực, thực phẩm, hàng hóa... cho Thủ đô. Nhưng hiện nay, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 6,4% trong cơ cấu kinh tế chung của Hà Nội. Ngành nông nghiệp Hà Nội xác định hai giải pháp đột phá là hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, quy mô lớn và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.


Giải bài toán lao động


Hà Nội có trên 192 nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 57,6% diện tích đất tự nhiên, gần 4 triệu người sống ở khu vực nông thôn phần lớn không có việc làm ổn định. Năm 2010, lực lượng lao động nông thôn có trên 2.400.000 người, chiếm tỷ lệ 62,5% lực lượng lao động trong độ tuổi của TP. Trong số lao động hiện có ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ 52%. Theo ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT, trong 5 năm qua (2006-2010) TP đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2006, có khoảng 380.000 lao động được đào tạo nghề, đạt tỷ lệ 25,8% tổng số lực lượng lao động. Đến năm 2010, số lao động đã qua đào tạo khoảng 630.000 người, đạt tỷ lệ 29% tổng số lao động (tăng 3,2%). Trung bình mỗi năm TP giải quyết việc làm cho khoảng 69.000 lao động nông thôn.

Để người dân "ly nông không ly hương", Hà Nội hướng số lao động nông thôn vào làm việc tại các làng nghề, dạy nghề để họ về địa phương phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu. Theo đó, bài toán lao động nông thôn phải được giải quyết tốt thì nông nghiệp cũng như diện mạo nông thôn Hà Nội mới khởi sắc. Năm 2011, Hà Nội phấn đấu giảm số lao động nông nghiệp xuống dưới 20% so với tổng số lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt từ 40 đến 45%, thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng/người/năm. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để Hà Nội hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian ngắn nhất.

Hình thành vùng sản xuất tập trung


Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, ông Việt cho rằng, năm 2011 ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể nông nghiệp TP. Trong đó đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Đối với những nơi có điều kiện thuận lợi về tưới, tiêu và thâm canh, sẽ tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao như Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Oai… Vùng sản xuất rau an toàn (RAT), cây ăn quả đặc sản, hoa, cây cảnh sẽ được quy hoạch ở vùng bãi sông Hồng, sông Đáy thuộc các huyện ven đô, trong đó phấn đấu phát triển 15.000ha diện tích để phát triển sản xuất RAT chất lượng cao, chiếm lĩnh thị trường Hà Nội. Những vùng khô hạn chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, vùng trũng chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Hà Nội sẽ hướng tới sản xuất cây cảnh, hoa xuất khẩu chứ không chỉ dừng lại ở phục vụ thị trường trong nước.

Đối với vùng Ba Vì, Sóc Sơn, sẽ nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, cải tạo đưa vào trồng trám, sấu, chè để tăng thu nhập cho người trồng rừng. Vùng đồng các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa ngoài thâm canh 2 vụ lúa, chỉ đạo mở rộng phát triển vụ đông gieo trồng chủ lực các giống như đậu tương, khoai lang, ngô để đạt giá trị 80-90 triệu đồng một hécta. Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành sẽ đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi lợn nạc, bò thịt, bò sữa, gia cầm và thủy cầm ở các vùng đồi gò để hình thành vùng nông sản hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giữ môi trường sinh thái. Trong đó chú trọng phát triển kinh tế trang trại tập trung quy mô đàn lớn, ổn định đầu ra, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển những giống cây ăn quả chất lượng cao như thanh long, hồng xiêm (Xuân Đỉnh), bưởi Diễn, cam Canh… để nhân rộng phù hợp với đồng đất từng vùng. Để giảm thiệt hại do thời tiết, khí hậu, các địa phương sẽ xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái công nghệ cao. Trước mắt, Hà Nội sẽ hình thành 3 đến 4 khu nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch 1-2 khu nông nghiệp sinh thái, hoa cây cảnh ở 3 khu vực, gắn với các trung tâm phía Nam, phía Tây và vùng Mê Linh, Sóc Sơn.

Với những giải pháp có tính đột phá, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế nông thôn đạt tỷ trọng là tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tăng lên 43%; thương mại dịch vụ tăng lên 32%; nông nghiệp, thủy sản 25%. Mỗi năm tăng thêm 2 -3% số lao động nông thôn được đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho 110 nghìn đến 120 nghìn lao động. Để đạt được kết quả đó, TP và các quận, huyện, thị xã cần xây dựng kế hoạch hằng năm dành khoảng 30% tổng chi ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là nguồn lực quan trọng, có yếu tố quyết định để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai giải pháp đột phá cho nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.