(HNM) - Tới thời điểm này là tròn một năm Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, hướng tới mục tiêu hết năm 2015, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam
Với những giải pháp được triển khai đồng bộ trong thời gian qua như: Chú trọng cải cách thể chế, công khai các chỉ số cải cách hành chính, đặc biệt là việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, có thể thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những chuyển động tích cực. Cụ thể: Nếu như trước đây doanh nghiệp phải mất 872 giờ mỗi năm để nộp thuế và bảo hiểm xã hội thì nay đã cắt giảm được 400 giờ; khởi sự kinh doanh từ 10 thủ tục thực hiện trong 31 ngày, nay giảm xuống còn 5 thủ tục và 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp giảm còn 18-36 ngày; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư dự tính có thể tăng được 65 bậc trên bảng xếp hạng của thế giới… Và đích mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam là nâng thứ hạng của chúng ta từ hàng thứ 6 trong 10 nước ASEAN lên ít nhất là hàng thứ 4 (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan).
Để tạo điều kiện, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho doanh nghiệp, chưa bao giờ Chính phủ chú trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp nhiều như hiện nay - Đó là phát biểu của Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh khai mạc cuộc "Tọa đàm kinh tế Việt Nam 2015: Cơ hội và thách thức" diễn ra sáng 30-3 tại Hà Nội. Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thời gian qua Chính phủ đã có những thay đổi rất quyết liệt, không chỉ trên văn bản mà bằng những hành động cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, không để doanh nghiệp chịu thủ tục rầy rà. Trong môi trường "thế giới phẳng", hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu chính sách không đi vào đời sống, làm ăn không minh bạch thì khó lòng tạo dựng được nền tảng đổi mới cho phát triển. Tại cuộc tọa đàm này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng thẳng thắn nêu thắc mắc về một số điểm mới trong chính sách, hiện thực hóa luật vào đời sống, môi trường kinh doanh. Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á cho rằng, chúng ta phải bằng chính sách để lôi cuốn doanh nghiệp, doanh nhân chứ không đơn thuần là khích lệ. Việc lắng nghe doanh nghiệp là hành động thiết thực nhất của nhà nước… Những cuộc đối thoại, trao đổi như vậy là rất cần thiết.
Cùng trong ngày 30-3, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Theo Bộ trưởng GT-VT, việc xây dựng các VBQPPL phải theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; các VBQPPL phải bảo đảm tiến độ, chất lượng nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm tính khả thi; cần có lộ trình, thời gian thích hợp để phổ biến, tổ chức triển khai để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện được… "Đặc biệt, các VBQPPL phải thể hiện tinh thần đổi mới và tinh thần cải cách hành chính. Các cơ quan chủ trì không ôm việc về mình. Cơ quan quản lý chỉ làm công tác quản lý, ban hành các thể chế và giám sát" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Hai cuộc họp của hai cơ quan quản lý diễn ra trong cùng một ngày với hai nội dung khác nhau nhưng có thể thấy cùng một đích chung hướng tới là xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, loại bỏ những trở lực của nạn tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu. Đó chính là những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ấy cũng chính là biện pháp ứng phó hiệu quả với những khó khăn, thách thức, đồng thời khơi dậy tiềm năng và lợi thế của chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.