Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ tầng thoát nước bất cập: Nhiều khu đô thị còn bị ngập úng!

Thanh Hải| 20/07/2017 06:51

(HNM) - Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 những ngày qua đã khiến nhiều khu đô thị phía Tây Hà Nội ngập nặng, giao thông và sinh hoạt của nhân dân bị đảo lộn...

Khu đô thị Geleximco (đường Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) ngập trong nước sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2.


Khổ vì ngập úng


Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2 cách đây ít ngày đã khiến nhiều khu đô thị phía Tây Hà Nội, như Geleximco (đường Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức), Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh, Bắc An Khánh... rơi vào tình trạng ngập úng nặng. Tại lối rẽ từ đường gom của Đại lộ Thăng Long qua hầm để sang đường Lê Trọng Tấn, gần 2 ngày sau khi bão đi qua nhưng nước vẫn ngập sâu 50cm.

Công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phải túc trực, cắm biển cảnh báo và chỉ dẫn, phân luồng phương tiện giao thông. Anh Nguyễn Xuân Tùng (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) kể: "Phải đi qua nút giao Đại lộ Thăng Long - Thiên đường Bảo Sơn những ngày qua là một cực hình. Mưa trắng trời, đường thì mênh mông nước. Hàng nghìn phương tiện bị ùn ứ vì nước ngập quá sâu. Nhiều người phải chọn lối đi vòng qua làng trên rồi trở lại Đại lộ Thăng Long, xa hơn cả chục cây số".

Còn tại các khu đô thị, đất, cát, bao tải, túi nilon đang được chất đống chờ thu gom. Quanh khu đô thị, nước đã rút nhưng để lại từng lớp đất bùn dày. Đang dọn vệ sinh trước nhà, chị Lê Thị Ánh Huyền, nhân viên văn phòng kinh doanh bất động sản, tại khu nhà liền kề Khu đô thị Geleximco cho biết, nước dâng cao tràn vào tầng hầm, nhiều nhà phải dùng bao tải cát để be bờ, ngăn nước. "Chẳng biết đến bao giờ mới thoát khỏi tình cảnh cứ mưa to là ngập. Nước kéo theo bùn lầy, rác thải hết sức ô nhiễm, dễ phát sinh bệnh tật, rồi mọi sinh hoạt bị đảo lộn, khổ đủ bề" - chị Lê Thị Ánh Huyền ngao ngán.

Không riêng các khu đô thị, thống kê của UBND xã An Khánh cũng cho thấy, trên địa bàn xã đã có 55ha lúa, 5ha hoa màu, 3ha cây ăn quả, 2ha rau... bị ngập úng, hàng trăm hộ dân bị nước dâng vào nhà từ 50 đến 70cm.

Đề xuất đầu tư, mở rộng các dự án thoát nước

Đường vào Khu đô thị Nam An Khánh ngập trong nước sau mỗi trận mưa lớn.


Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đăng Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết, dù là xã cuối của huyện Hoài Đức, có địa hình thấp nhưng trước đây địa phương cũng không mấy khi ngập lụt nặng như thế. Hệ thống thoát nước chính của xã là kênh 24, kênh Đìa Sáo, Cầu Xá chảy ra khu Đồng Ngà. Trước đây, vị trí các khu đô thị hiện nay toàn là cánh đồng, nên khi mưa lớn, nước ở trong thôn, xóm tự chảy ra kênh, ra cánh đồng. "Nhưng khi các khu đô thị hình thành, khu vực đồng trũng đã được tôn cao, thậm chí có nơi cao hơn 2m so với trước nên khi có mưa lớn, nước từ khu đô thị chảy ngược vào khu dân cư cũ, trong khi hệ thống thoát nước không được cải tạo, nâng cấp nên cảnh ngập lụt là khó tránh khỏi. Nhân dân mong muốn thành phố quan tâm, đầu tư hệ thống thoát nước để người dân bớt vất vả" - ông Nguyễn Đăng Lợi kiến nghị.

Nước không còn thoát ra cánh đồng nữa thì thoát đi đâu? Bằng cách nào? Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức cuối tháng 5-2017 về kế hoạch thoát nước mùa mưa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thừa nhận, hiện mới có hệ thống thoát nước khu vực nội thành (lưu vực sông Tô Lịch) được cải tạo đồng bộ nên có thể chủ động chống ngập. Các khu vực còn lại, gồm lưu vực sông Nhuệ, quận Hà Đông, Long Biên chủ yếu dựa vào tiêu tự chảy. Do đó, nếu mưa to, khu vực phía Tây Hà Nội vẫn sẽ bị ngập. Đề cập giải pháp trong thời gian tới, ông Phong cho biết, trước mắt các đơn vị sẽ nạo vét kênh, mương, hệ thống thoát nước hiện có. Về lâu dài, sẽ phải đề xuất các dự án đầu tư, mở rộng và phát triển hệ thống thoát nước theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Trao đổi về điều này, các chuyên gia lĩnh vực quy hoạch - đô thị cùng chung nhận định, các khu đô thị phía Tây Hà Nội, trong đó có khu vực hai bên đường Lê Trọng Tấn, Đại lộ Thăng Long thời gian tới sẽ còn tái diễn cảnh úng ngập do việc phát triển đô thị tùy tiện, chưa quan tâm đúng mức tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, thứ nhất, quy hoạch nào cũng có cốt nền khu vực, nhưng khi thực hiện, điều này chưa được quan tâm.

Thứ hai, khi xây dựng, chủ đầu tư phải làm hệ thống cấp - thoát nước, xác định lượng nước thải một ngày, tính toán lượng nước mưa. Trừ các khu đô thị xen kẽ trong nội đô, hầu hết các khu đô thị mới đều có đặc điểm là đất ruộng. Do vậy, việc xác định cốt nền, tính toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải được làm trước, phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, rồi sau đó mới cho xây dựng nhà. Nhưng ở đây các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc làm sao bán nhà thật nhanh. Thậm chí, việc giám sát thiếu chặt chẽ, nên việc các khu đô thị bị ngập thời gian qua là tất yếu.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, Hà Nội khi chưa mở rộng, dân số ít, việc dồn nước cho trạm bơm Yên Sở đưa ra sông Hồng là hợp lý. Vì khi đó, làm quy hoạch đã tính đến độ thấm của nước (6/100), nhưng nay sau 10 năm sáp nhập, tốc độ đô thị hóa nhanh, không còn nhiều diện tích đất cho việc thấm nước, do vậy, cần phải tính đến bài toán thoát nước ra sông Nhuệ, sông Đáy.

Bên cạnh đó, KTS Phạm Thanh Tùng cũng phân tích: "Phải khơi thông dòng chảy kênh, mương thoát nước. Việc này các địa phương làm chưa tốt, chưa thường xuyên, còn phó mặc cho các đơn vị thoát nước. Vẫn còn tình trạng đổ rác xuống kênh, mương; lấn chiếm kênh, mương thoát nước, thu hẹp dòng chảy thì làm sao mà không xảy ra úng ngập".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng thoát nước bất cập: Nhiều khu đô thị còn bị ngập úng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.