(HNMO) - Ngày 15/7, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 21 HĐND Thành phố khóa XIII, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, Thàhh phố đã xin phép Chính phủ dừng xây dựng 5 cổng chào. Thay vào đó, Thành phố sẽ triển khai phương án trang trí bằng hoa, cây xanh, panô...
Báo cáo về việc xây dựng 5 cổng chào trước HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt có ghi rõ: Thiết kế cổng chào, trang trí kết hoa cách điệu chào mừng Thủ đô ngàn năm tại các cửa ngõ ra vào Thành phố, những huyết mạch giao thông quan trọng gồm: Đầu đường 1 (khu vực tiếp giáp với tỉnh Hà Nam); Đường Hà Nội - Lạng Sơn (khu vực tiếp giáp huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Đường vào sân bay Nội Bài (khu vực ngã tư Thăng Long - Nội Bài và đường số 2 đi Vĩnh Phúc); Đường Láng - Hòa Lạc (khu vực ngã ba rẽ vào khu liên hợp thể thao Mỹ Đình); Đường số 5 đi Hải Phòng (khu vực Đền thờ Ỷ Lan).
Như vậy, Chủ tịch khẳng định, đây là cổng chào để chào mừng sự kiện Thủ đô 1000 năm tuổi chứ không phải là công trình vĩnh cửu, hoặc "khải hoàn môn"... như một số ý kiến nêu trên công luận. Do là cổng chào nên phải được làm để phục vụ đúng dịp Đại lễ.
Căn cứ quyết định của Chính phủ, UBND Thành phố đã nghiêm túc chỉ đạo, triển khai thực hiện như: quy hoạch chi tiết và thiết kế kiến trúc 5 cổng chào tại các vị trí theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức họp báo, xin ý kiến của các tổ chức chuyên môn về phương án kiến trúc, kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp kinh phí xây dựng theo phương thức xã hội hóa. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp đăng ký tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc chuẩn bị đầu tư, Thành phố đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của cộng đồng dân cư, của dư luận xã hội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội...
Trước những ý kiến và dư luận xã hội còn khác nhau trong khi thời gian đến dịp kỷ niệm Đại lễ không còn nhiều, việc tiếp tục triển khai xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là có nhiều ý kiến đề nghị Thành phố không nên tiếp tục triển khai xây dựng cổng chào, ngày 14/7, UBND Thành phố đã có văn bản báo cáo Thường trực Chính phủ, cho phép dừng việc xây dựng 5 cổng chào. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, thay vào đó, Thành phố sẽ triển khai phương án trang trí bằng hoa, cây xanh, panô, có các điểm nhấn như lâu nay vẫn làm vào các dịp có các sự kiện quan trọng. Phần kinh phí xã hội hóa do các doanh nghiệp ủng hộ, Thành phố sẽ dành để tập trung giải quyết một số vấn đề dân sinh bức xúc, chỉnh trang đô thị, trang trí một số khu vực trung tâm đón chào Đại lễ.
Không mở ra các dự án mới từ nay đến ngày Đại lễ
Cũng liên quan đến các công tác chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, công việc chuẩn bị hiện đã vào giai đoạn nước rút, UBND Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo hệ thống các cơ quan báo chí truyền thông tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống trực quan trong cả nước và nước ngoài về Thăng Long - Hà Nội và chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đặc biệt là thời gian 10 ngày Đại lễ. Đồng thời, tổ chức kiểm tra giám sát, hoàn thành và công bố kết quả Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; lựa chọn tác phẩm có giá trị để trao thưởng và giới thiệu tới công chúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm.
Công nhân Công ty thoát nước Hà Nội làm vệ sinh đường phố trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Phương An |
UBND Thành phố cũng sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn cảnh quan môi trường; thực hiện quyết liệt chương trình chỉnh trang đô thị như: Các dự án chỉnh trang đô thị, hạ ngầm đường dây, vườn hoa, công viên, vỉa hè, tuyến phố...; trang trí trụ sở, nơi làm việc, cửa hàng, cửa hiệu, chỉnh trang biển hiệu, cổng, tường rào, quét vôi, sơn cửa, xóa biển quảng cáo rao vặt trái phép, thực hiện "Gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô".... Toàn bộ những công việc này phải hoàn thành xong trước ngày 30/8.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng nghiêm túc nhìn nhận, việc chỉnh trang đô thị còn nhiều bất cập, thiếu sót: Làm ồ ạt cùng một thời điểm, triển khai quá nhiều hạng mục công trình, biện pháp tổ chức quản lý thi công không hợp lý, chậm tiến độ... gây bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, Thành phố đã chỉ đạo tập trung thực hiện dứt điểm các dự án với phương châm "cuốn chiếu", làm đến đâu hoàn chỉnh đồng bộ và gọn gàng đến đó. Toàn bộ các dự án trong kế hoạch phải hoàn thành xong trước ngày 15/8, đồng thời, từ nay đến ngày Đại lễ, không mở ra các dự án mới, không cấp phép đào đường, đào hè...
Hà Nội tiếp tục thu học phí theo quy định hiện hành
Làm rõ hơn về việc UBND Thành phố xin rút nội dung liên quan đến Dự thảo Quy định mức thu và sử dụng học phí chưa được trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định tại kỳ họp này, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, việc xây dựng dự thảo quy định mức thu và sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công cập của Thành phố được thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ, cụ thể là theo Nghị định 49 ngày 14/5/2010 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.
Nghị định quy định rõ khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập; theo các đối tượng cụ thể: Thành thị, nông thôn, miền núi; và quy định mức thu tương ứng từ tối thiểu đến tối đa, áp dụng từ năm học 2010-2011. Căn cứ khung này, HĐND sẽ quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng ở địa phương.
Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố, hiện việc thu và sử dụng học phí trên địa bàn Thành phố Hà Nội chưa được thực hiện thống nhất (theo quy định của Hà Nội cũ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình), nên đến nay cần có sự nhất thể hóa chính sách, ban hành một số quy định chung áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn Thành phố. Trên cơ sở quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, UBND Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng dự thảo quy định thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập để trình HĐND Thành phố quyết định.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, đây là quy định mức thu học phí chứ không phải là quy định tăng học phí như một số ý kiến nêu. Tuy nhiên, còn một số nội dung qua nghiên cứu thực tiễn, qua ý kiến cử tri và nhân dân cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn Thủ đô. Vì vậy, UBND Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung dự thảo này để trình HĐND Thành phố tại kỳ họp sau. Mức thu học phí trên địa bàn Thành phố trong năm học này vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
Sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, kinh tế Thủ đô nhìn chung đã và đang phục hồi, đạt mức tăng khá trên mọi lĩnh vực: Công nghiệp xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách... Tuy nhiên, kinh tế Thủ đô chưa phát huy hết các thế mạnh, tăng trưởng chưa hết tiềm năng và thiếu bền vững; du lịch, xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng còn thấp, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ô nhiễm môi trường trong các khu cụm công nghiệp làng nghề chưa được khắc phục; những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời, nhất là trong đầu tư, vay vốn, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh sản phẩm còn thấp...
Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, trong những tháng cuối năm, UBND Thành phố sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thành phần kinh tế; tăng cường thu hút và khơi thông các dòng vốn đầu tư phát triển, thúc đẩy xuất khẩu, du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, thực hiện có hiệu quả việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu.
Về an sinh xã hội, thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tập trung hơn nữa việc thực hiện các chủ trương, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nhất là lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách xã hội. Thành phố sẽ xóa nhà dột nát, hỗ trợ các đối tượng chính sách nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bằng mức hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Về giao thông, môi trường, từ nay đến Đại lễ, Hà Nội sẽ làm sạch một bước tất cả các sông, hồ trong khu vực nội thành; triển khai có hiệu quả phương án phòng chống ngập úng mùa mưa, có phương án chống ngập trong thời gian diễn ra Đại lễ; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông...
Chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, tổ chức thành công Đại lễ
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, hoạt động của HĐND Thành phố tiếp tục được đổi mới, các đại biểu đã chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn và đời sống nhân dân để có những phản ánh, đề xuất, kiến nghị sát thực tế. Sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra.
Về nhiệm vụ từ năm đến cuối năm 2010, Chủ tịch HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố cần tiếp tục tìm ra những biện pháp chỉ đạo quyết liệt để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của năm 2010 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006-2010, phấn đấu có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10%.
Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, quan tâm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt phong trào thi đua trong quần chúng... Đặc biệt, cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo để tổ chức thành công các chương trình hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.
Một nội dung đáng chú ý khác trong phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 21 HĐND Thành phố là các đại biểu đã biểu quyết nhất trí cho ông Đào Văn Bình miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.