(HNMO) - Chiều 24-6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương...
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng dự.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2020 là năm thứ chín liên tiếp thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định công bố Chỉ số cải cách hành chính của bộ, các tỉnh; là năm thứ tư triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
85,48% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 tiến hành điều tra xã hội học với tổng số phiếu phát ra tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước là 36.630 phiếu. Tổng số phiếu thu về hợp lệ là 35.268 phiếu, đạt 96,28%. Tổng số phiếu thu về hợp lệ là 35.268 phiếu, đạt 96,28%.
Kết quả cho thấy, năm 2020, có 85,48% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong phạm vi cả nước (năm 2019 là 84,45%). Sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính tăng dần qua mỗi năm kể từ năm 2017 đến nay, từ 80,90% lên 85,48%.
Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 84,71%; về thủ tục hành chính là 88,45%; về công chức là 86,53%; về kết quả dịch vụ là 89,73%; về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị là 73,76%.
Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng cao nhất, đạt 95,76%; tiếp theo là thành phố Hải Phòng 93,57%; tỉnh Bắc Giang 92,54%... Tỉnh Bình Thuận có chỉ số hài lòng thấp nhất với kết quả 75,68%.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu
Theo báo cáo, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung vào 2 nhóm điểm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả trên 90%, tiếp tục là 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2020, tiếp tục không có bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 80%.
Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019 (chỉ đạt 85,63%), đồng thời, tăng 12,18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ chỉ số để đánh giá cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh (chỉ đạt 75,38%). Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 9 năm triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 cao nhất ở năm thứ sáu liên tiếp với kết quả là 95,88%. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kết quả cải cách hành chính thấp nhất với 83,24%.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Hải Phòng). Nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá, Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81,15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số cải cách hành chính cao hơn giá trị trung bình của cả nước.
Đáng chú ý, năm 2020, có 58 địa phương đạt Chỉ số cải cách hành chính trên 80%, trong khi đó, năm 2019, chỉ có 44 đơn vị và năm 2018, chỉ có 9 đơn vị thuộc nhóm này; không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%.
Về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2020: Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương xếp vị trí thứ nhất bảng xếp hạng với kết quả đạt 91,04%; thành phố Hải Phòng với kết quả 90,51%. Tiếp đó lần lượt là các tỉnh: Thừa Thiên - Huế 88,47%, Bình Dương 86,93%, Đồng Tháp 86,77%… Thành phố Hà Nội đứng ở vị trí thứ tám với kết quả 86,07%. Tỉnh Quảng Ngãi ở vị trí 63/63 tỉnh, thành phố với kết quả đạt 73,25%.
Phát biểu kết luận, cùng với việc ghi nhận, biểu dương những bộ, ngành, địa phương đạt kết quả quả cao ở cả hai chỉ số, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại.
Để nâng cao kết quả cải cách hành chính trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, căn cứ kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2020, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương tiếp tục có những giải pháp mới mang tính đột phá phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công. Tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, ngay sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề và sức bật cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.