Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại: Để miền quê là nơi đáng sống

Nguyễn Mai| 15/10/2021 06:13

(HNM) - Là những yếu tố không thể tách rời qua “nghìn năm lịch sử” - nông nghiệp, nông thôn, nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cùng với cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa... là những miền quê đáng sống của mỗi người dân.

Diện mạo nông thôn mới khang trang, trù phú ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng). Ảnh: Mai Nguyễn

Tạo dựng không gian mới cho các làng quê

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tháp Thượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Thỏa cho biết, nhằm tạo dựng nên những miền quê đáng sống, các hội viên phụ nữ trong thôn đã chung sức trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường. Từ khi có những tuyến đường nở hoa, người dân đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không còn xả rác bừa bãi ra đường như trước nữa…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt thông tin, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các xã thuộc huyện Đan Phượng đều tiến hành chỉnh trang nông thôn, trồng cây, vẽ tranh tường tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp, văn minh...

Tại huyện Phúc Thọ, trước khi xây dựng nông thôn mới (năm 2010), đường làng, ngõ xóm còn lầy lội; công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải chưa được quan tâm thì đến nay, các xã đều đạt tiêu chí về môi trường. Cùng với chính quyền, các hội đoàn thể đã vào cuộc tích cực nên bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay. Hiện huyện Phúc Thọ có 84 đoạn đường trồng hoa, 45 điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp, 69 mô hình “Sạch đồng ruộng”...

Gắn xây dựng nông thôn mới với việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo dựng cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp, hiện đại…, nếp sống mới trong mỗi làng quê đang hình thành từ sự hội tụ của truyền thống và hiện đại. Đây là yếu tố cốt lõi để nông thôn mới Hà Nội mang bản sắc của đất ngàn năm văn hiến và trở thành những miền quê đáng sống của mỗi người dân.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thành phố đã có 12/18 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, Hà Nội có 368/382 xã (chiếm 96,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) thí điểm mô hình trồng sâm Bố Chính mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xây dựng nông thôn mới ở một tầm mức mới

Tiếp tục phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở một tầm mức mới - đó là xây dựng theo hướng phát triển đô thị với quan điểm xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững...

Thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, năm 2021, huyện Đan Phượng có 5 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã Đan Phượng phấn đấu xây dựng nông thôn mới “Kiểu mẫu Thủ đô” và 4 xã: Song Phượng, Tân Hội, Liên Hà, Thọ Xuân đạt kiểu mẫu trên các lĩnh vực văn hóa, y tế và giáo dục. Huyện Đan Phượng chú trọng xây dựng các quy ước, hương ước, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm... qua đó làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, hiện nay, Mê Linh đang hoàn thiện các tiêu chí và hồ sơ trình các cấp đánh giá, công nhận huyện nông thôn mới năm 2021. Sau khi đạt chuẩn, Mê Linh sẽ từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu... Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, huyện tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có từ 10 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trở lên.

Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, thị xã yêu cầu các xã, phường trên địa bàn tiếp tục rà soát diện tích đất nông nghiệp, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm... để phát triển sản xuất bền vững.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch triển khai các quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư, không gian sản xuất; ban hành và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc cho khu vực điểm dân cư nông thôn; đồng thời tập trung đầu tư hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở và công viên, cây xanh theo hướng văn minh, hiện đại... Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tập trung thực hiện tiêu chí môi trường trong nông thôn mới; phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020). Với nguồn kinh phí này, thành phố tiếp tục phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí đô thị... nhằm xây dựng nông thôn mới Hà Nội văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại: Để miền quê là nơi đáng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.