(HNMO) - Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, các địa phương “vùng vàng” (vùng 2) là Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn đã chủ động các giải pháp khoanh vùng chống dịch, tổ chức sản xuất một cách phù hợp. Những “vùng xanh” đang ngày càng tỏa rộng trong khu vực “vùng vàng”, nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã được triển khai. Các địa phương đã sẵn sàng chuyển trạng thái thực hiện các phương án khôi phục kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.
Chủ động các giải pháp phòng, chống dịch
Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm đã chủ động các giải pháp kiểm soát chặt chẽ địa bàn, không để phát sinh ca nhiễm Covid-19 mới như tập trung chốt chặn tại đường ngang, ngõ tắt; duy trì trực chốt tại các khu vực thôn, tổ dân phố...
Tương tự, huyện Mê Linh cũng chủ động phòng, chống dịch theo phương án 3 phân khu, gồm: Các xã còn ổ dịch đang thực hiện phong tỏa; các xã, thị trấn có khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân có nguy cơ lây nhiễm cao và các xã “vùng xanh” không có ca lây nhiễm Covid-19. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, việc phân làm 3 khu vực giúp địa phương vừa chủ động kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, vừa tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Tại huyện Sóc Sơn, cùng với việc triển khai nhiều biện pháp chặt chẽ trong phòng, chống dịch Covid-19, huyện cũng đã chủ động các giải pháp an toàn bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, tạo nguồn cung nông sản cho thị trường và đã sẵn sàng chuyển trạng thái.
Trong những ngày qua, các địa phương “vùng vàng” đã tăng cường lực lượng lấy mẫu xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19 cho người dân. Trong đó, huyện Sóc Sơn đã lấy mẫu xét nghiệm cho người dân đạt 109% kế hoạch; tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 95%. Huyện Gia Lâm, với sự hỗ trợ của hơn 200 y tá, bác sĩ tỉnh Bắc Ninh đang dồn lực triển khai xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng, đưa địa phương sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. Các huyện Mê Linh, Đông Anh và quận Long Biên cũng đã cơ bản hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Từ thành công đáng ghi nhận trong việc tiêm chủng cho người dân, bóc tách nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng cũng như tỏa rộng "vùng xanh” trong “vùng vàng”, quận Long Biên và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn đã có “điểm tựa” để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới
Thời điểm hiện tại, các địa phương nằm trong “vùng vàng” của thành phố đã xây dựng các phương án phát triển kinh tế - xã hội để nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh khi thành phố bước sang trạng thái bình thường mới.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường xây dựng kế hoạch và triển khai tới từng tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với phương án phòng, chống dịch theo 3 nhóm mức độ nguy cơ đã được quận ban hành và đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại.
Ông Nguyễn Phi Hùng, chủ cửa hàng sửa xe máy trên phố Kẻ Tạnh, phường Giang Biên (quận Long Biên) cho biết: Việc tổ chức phân khu vực và đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại phù hợp với nguyện vọng của người dân sinh sống trên địa bàn. “Thật sự tôi không mong gì hơn khi được mở lại cửa hàng”, ông Nguyễn Phi Hùng vui mừng nói.
Còn ông Nguyễn Trọng Điểm, công nhân Công ty cổ phần Đầu tư HT Vina (Khu công nghiệp thực phẩm Hapro - Lệ Chi, huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Những lao động như chúng tôi rất phấn khởi khi được trở lại làm việc. Tôi sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch và mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để cuộc sống trở lại bình thường".
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm - Nguyễn Tiến Hoàng, hiện tại trên địa bàn huyện có 305 doanh nghiệp hoạt động, đều tuân thủ phương án “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến”. Gia Lâm sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng tình với các giải pháp chủ động phát triển sản xuất của huyện Mê Linh, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) cho biết: Việc huyện điều chỉnh hợp lý phương án chống dịch và kế hoạch sản xuất đã tạo thuận lợi cho nông dân chăm sóc gần 150 ha rau, củ, quả, bảo đảm nguồn cung cho khu vực nội thành hàng trăm tấn rau xanh mỗi ngày.
Tại xã Vân Hà (huyện Đông Anh), Chủ tịch UBND xã Đỗ Thị Hảo cho biết, địa phương cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa, bằng hình thức bán mang về. Với các hộ sản xuất đồ gỗ, người đến mua hàng phải có xét nghiệm RT-PCR âm tính; khi nhập gỗ về bắt buộc phải thông báo cho chính quyền trước một tuần để triển khai các biện pháp phòng dịch...
Trong khi đó, huyện Sóc Sơn đã bắt đầu cho mở cửa trở lại các cơ sở sửa chữa, kinh doanh điện tử, điện lạnh, điện máy; cửa hàng bán văn phòng phẩm; nhà sách phục vụ công tác dạy và học… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Việt Hùng, việc chủ động chuyển trạng thái giúp chính quyền địa phương không bị động khi thành phố cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. “Tuy nhiên, trong thời gian này, chúng tôi yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải bảo đảm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ sở kinh doanh nào không bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch sẽ kiên quyết đóng cửa”, ông Hồ Việt Hùng khẳng định.
“Vùng đỏ" vẫn phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất
Trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh tại “vùng vàng” (vùng 2) đã được nới lỏng thì tại các địa phương “vùng đỏ” (vùng 1) như quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa… phương án phòng, chống dịch vẫn được triển khai ở mức độ cao nhất.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nhiên, để bóc tách nguồn bệnh ra khỏi cộng đồng, dần biến “vùng đỏ” thành “vùng xanh”, UBND phường đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân ý thức chấp hành thông điệp 5K. Bên cạnh đó, phường yêu cầu các tổ Covid cộng đồng đến từng nhà nhắc nhở, vận động người dân phối hợp với chính quyền làm xét nghiệm, tiêm vắc xin. UBND phường vẫn duy trì hoạt động của 23 chốt kiểm soát, đến thời điểm này đã tổ chức tiêm được 9.118 mũi 1 cho người 18 tuổi trở lên, đạt 94,7% dân số.
Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Đào Thanh Tâm cho biết, địa phương đã triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình “vùng xanh”: Thành lập các “Chốt tự quản an toàn” phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết gia đình an toàn. Các điểm chốt được địa phương xem là “lá chắn” vững chắc trong phòng, chống dịch theo nguyên tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.