(HNMO) - Kết thúc tốt đẹp chương trình làm việc tại hai tỉnh Nam Trung Bộ Bình Định, Phú Yên, ngày 4-5, đoàn công tác TP Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị dẫn đầu tiếp tục thăm và làm tại tỉnh Đắk Lắk.
Với tinh thần xuyên suốt “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, buổi làm việc diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả. Hai bên đã cung cấp những thông tin quan trọng để cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Anh Quý |
Giữ vị trí trọng yếu, trung tâm của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk đã và đang tận dụng tối đa các nguồn lực như đất đỏ bazan, khí hậu và khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho gần 1,8 triệu dân thuộc 41 dân tộc anh em; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh đã khai thác tốt 73 km đường biên giới với tỉnh Mondunkiri của nước bạn Campuchia và các kênh khác để xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: cà phê, hồ tiêu, ca cao. Riêng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD, đạt 1 triệu tấn lương thực… Tại buổi làm việc, giới thiệu thế mạnh cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê (chiếm 40% tổng sản lượng của cả nước), Đắk Lắk mong muốn các nhà đầu tư Thủ đô sớm nghiên cứu thị trường, xây dựng hệ thống nhà máy chế biến nhằm tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, với hơn 70 danh lam thắng cảnh, trong đó có 10 danh thắng cấp quốc gia, địa phương luôn chào đón các công ty lữ hành của Thủ đô tham gia khai thác tiềm năng du lịch. Đắk Lắk đề nghị Hà Nội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ và mong muốn trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa của Thủ đô phục vụ thị trường vùng Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.
Bày tỏ niềm vui mừng khi về thăm mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa, tiêu biểu cho tiềm năng phát triển của Tây Nguyên, đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Đắk Lắk không chỉ là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh mà còn giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Đồng chí ghi nhận những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân tỉnh đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: Hà Nội và Đắk Lắk tuy cách xa về mặt địa lý nhưng hết sức gần gũi về tình cảm. Sau chuyến thăm này, hiểu rõ được tiềm năng, thế mạnh của nhau, hai bên sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực; cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trao đổi về hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Thành ủy cho rằng, tỉnh Đắk Lắk cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển có tầm nhìn xa, trên cơ sở đó quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để khai thác hiệu quả thế mạnh sẵn có.
Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Quang Nghị đề nghị cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp của tỉnh bám sát cơ sở, gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt và giải quyết tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Mặt khác, tỉnh cần đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên môi trường; tăng cường phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở khu dân cư. Trước mắt, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” một cách thiết thực, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân; củng cố mối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội tham quan Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Lê Hoàn |
Nhân dịp này, đồng chí Phạm Quang Nghị đã trao tặng 7 tỷ đồng, món quà của Đảng bộ, nhân dân, doanh nghiệp Thủ đô cho tỉnh Đắk Lắk; tặng quà 3 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, gồm gia đình bà Nguyễn Thị Chức ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột; bà Đinh Thị Lương ở xã Ea dăh, huyện Krông Năng và bà Trần Thị Lý ở xã Ea Mlay, huyện M’Đrăk.
Đoàn đã đi tham quan sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột; di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột và Bảo tàng tỉnh - công trình kiến trúc độc đáo mô phỏng theo hình dáng nhà dài của người dân tộc Ê đê, nơi trưng bày hàng nghìn hiện vật, phim và ảnh tư liệu về nền văn hóa đa dân tộc giàu bản sắc của Đắk Lắk.
Ngày 5-5, đoàn sẽ làm việc với tỉnh Đắk Nông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.