(HNMO) - Sáng ngày 17-11, TP Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển giai đoạn 2012-2020. Đây là kết quả của Hội nghị đầu tiên về hợp tác phát triển giữa các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, trong nhiều năm qua, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô Hà Nội luôn mong muốn và đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt trong 7 năm (2005-2012) triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, Quyết định số 191 ngày 17-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ, và Kết luận số 13 ngày 28-7-2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Thủ đô Hà Nội đã và đang triển khai nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng trên nhiều lĩnh vực. Trong 2 năm gần đây, TP Hà Nội đã tổ chức các đoàn đi thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm hợp tác phát triển với 28 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, thì Hội nghị hợp tác lần này càng có ý nghĩa thiết thực. Hơn lúc nào hết, với mong muốn thông qua Hội nghị này, Hà Nội sẽ cùng các địa phương trong vùng chung tay, góp sức, chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm, tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác phát triển toàn diện, nhằm huy động tối đa sức mạnh tổng hợp, phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, xây dựng và phát triển vùng ĐBSH đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Báo cáo kết quả hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSH những năm qua cho thấy, việc hợp tác bước đầu thu được những kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và mở rộng các hoạt động văn hóa – xã hội trên toàn vùng. Tuy nhiên, kết quả hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng, chưa phát huy được thế mạnh của từng địa phương. Sự thiếu liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng đã làm nảy sinh nhiều hạn chế trên nhiều lĩnh vực, thậm chí xảy ra tình trạng trùng lắp, dẫm chân nhau, tác động tiêu cực đến xu hướng phát triển chung.
Nhiều tham luận mong muốn các tỉnh, thành phố trong vùng xây dựng cơ chế liên kết mang tính ràng buộc trách nhiệm cao, tạo hành lang cho việc hợp tác, phát triển trong các lĩnh vực, vấn đề cụ thể về sau này. Thiếu cơ chế ràng buộc trong liên kết, hợp tác trong vùng cũng được cho là vấn đề có tính chất trọng tâm, là chìa khóa để thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng. Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, cho đến hôm nay vùng ĐBSH chưa có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung đã hạn chế rất nhiều mối liên kết vùng. Đây là rào cản hàng đầu cần được khẩn trương tháo gỡ…
Trên cơ sở thảo luận, lãnh đạo TP Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng đã đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2012-20200. Thỏa thuận hợp tác gồm 6 điểm chính đề cao nội dung hợp tác thiết thực như quy hoạch, đầu tư, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, giao thông, du lịch, y tế, giáo dục, đào tạo, thủy lợi, bảo vệ môi trường... Ở mỗi lĩnh vực, các tỉnh, thành phố thống nhất tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chủ động làm việc cụ thể cùng giải quyết các vấn đề.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhất trí tập trung liên kết, hợp tác ngay các lĩnh vực trọng tâm như tăng cường thu hút đầu tư, kết nối hệ thống giao thông trong vùng; phối hợp quản lý và thực hiện quy hoạch để tránh trùng lắp, chồng chéo kém hiệu quả, lãng phí; tổ chức các tour du lịch liên tỉnh; phối hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết các vấn đề thủy lợi, ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của mỗi địa phương triển khai các nội dung hợp tác cụ thể và tổ chức thực hiện xong trong quý I-2013. Mỗi tỉnh, thành sẽ giao cho một đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh, thành trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Sở KHĐT các tỉnh thành là cơ quan đầu mối tổng hợp, đôn đốc, đánh giá kết quả hợp tác giữa các tỉnh, thành phố.
Các tỉnh thành phố vùng đồng bằng sông Hồng thống nhất sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ về kết quả Hội nghị lần này, trong đó nêu rõ các đề xuất, kiến nghị như tạo cơ chế liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng; hoàn thành sớm quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, việc hợp tác, liên kết giữa các tỉnh thành trong vùng vừa có tính chất tự nguyện, vừa có tính chất bắt buộc vì cùng thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, cũng là vì lợi ích chung của vùng, của đất nước. Kết quả hội nghị lần này là bước khởi đầu thuận lợi để các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH tiếp tục triển khai kỹ hơn, khắc phục từng bước những thiếu sót, hạn chế làm giảm sút sức mạnh liên kết hợp tác trong vùng trong thời gian sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.