Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội từ góc nhìn một “người nhà quê”

Phạm Quang Long| 23/01/2012 13:40

1. Trước hết xin nói ngay rằng, tiêu đề của bài viết hoàn toàn không nhằm mục tiêu câu khách. Tôi lấy tên bài viết của mình như vậy để muốn nói rằng, tôi muốn nhìn Hà Nội từ góc nhìn của một người không phải cư dân gốc Hà Nội, không được sống và nuôi dưỡng trong cái môi trường văn hóa rất phong phú và quyến rũ của Hà Nội.



Tôi cũng không chịu bất cứ ràng buộc gì của quá khứ khi đặt vấn đề để hiểu Hà Nội từ góc nhìn không bị một định kiến nào mang tính chất tiên nghiệm mà đôi khi cũng cần nhìn đối tượng của mình từ bên ngoài chứ không chỉ từ bên trong, nhìn từ những yếu tố chưa chắc đã dễ thấy để đạt tới một cái gì đó sâu sawcs hơn, tiêu biểu hơn. Thêm nữa nhìn đối tượng từ những yếu tố tưởng chừng nhỏ, ít quan trọng nhưng lại có vai trò như chìa khóa để hiểu sự vật và cũng có những yếu tố có thực nhưng có thể “đánh lừa” nhận thức của mình nếu đặt nó không đúng chỗ trong quá trình tìm hiểu sự vật. Mặt khác, những linh cảm dù mơ hồ về đối tượng, đôi khi cũng có ích cho việc nhận diện bản chất đối tượng.

2. Khi thực hiện một cuộc trưng bày về Hà Nội xưa, giữa chúng tôi (những thành viên của một Hội đồng tư vấn cho sở Văn hóa Thông tin Hà Nội) tham mưu cho thành phố nên chọn cái gì cho việc trưng bày, đã nảy ra một cuộc tranh luận khá căng thẳng. Tất cả mọi người tham gia bàn bạc đều thống nhất với nhau ở ý tưởng phải chọn một cái gì đó thật tiêu biểu cho truyền thống Hà Nội. Một vị có thâm niên trong giới Hà Nội học cương quyết đòi phải đưa hình ảnh chiếc xich lô vào trưng bày vì theo ông, hình ảnh chiếc xich lô rất tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử của Hà Nội và chiếc xích lô “là một phần hồn cốt của phố cổ Hà Nội”. Một vị khác thì cho rằng cần phải đưa hình ảnh các làng nghề Hà Nội vào trưng bày vì làng nghề tiêu biểu cho quá trình hình thành nên đô thị Hà Nội, nó thể hiện qua quá trình di cư, quần cư, tụ cư và nó kết tinh nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của kinh thành ngàn năm tuổi. Tôi kiến nghị một chủ đề ít cụ thể hơn, trừu tượng hơn, nhưng theo tôi, đó mới là hồn cốt của chất Hà thành: không gian văn hóa gia đình thi thư ở Hà Nội. Căn cứ của tôi chỉ là những cảm nhận rất mơ hồ đã hình thành từ khi tôi còn sống ở một làng quê cách xa Hà Nội hàng trăm km là hình như Hà Nội hấp dẫn người ta với sức quyến rũ rất lớn là cái chất học thức, tài hoa trong trí tuệ, cao sang trong cách sống,tinh tế trong ứng xử của những người ở đất kinh kỳ. Cái chất ấy sau này tôi càng cảm nhận được rõ hơn khi đã sống ở Hà Nội. Nó khó nắm bắt nhưng không khó để cảm nhận ở một lớp người Hà Nội gốc (khái niệm gốc với tôi là những người Hà Nội đã ở đây qua vài ba đời, thuộc một lớp rất tiêu biểu cho phẩm giá tinh túy ở đây chứ không phải ở tất cả những người đã từng sống ở đây, bằng tất cả mọi nghề). Đó là những cách ứng xử rất tinh tế, lịch sự, sang trọng, hiểu biết rộng, thanh cao mà cũng rất giản dị. Những người nhà quê mới đến sống ở Hà Nội như tôi biết và muốn học theo nhưng không dễ vì cái chất ấy đã thấm sâu vào họ, như một điều tự nhiên, nhi nhiên vậy. Tôi không thích hình ảnh chiếc xich lô vì hình ảnh xích lô tuy gắn với Hà Nội nhưng đó chỉ là một phương tiện làm ăn của lớp dân nghèo ở thủ đô, công việc và chiếc xe công cụ đó chưa và không thể nói được gì nhiều về những gì tiêu biểu nhất cho phẩm chất của người kinh kỳ. Với làng nghề cũng vậy. Làng nghề nói được về Hà Nội truyền thống nhiều hơn cái xe xích lô, cũng hội tụ trong đó nhiều nét tài hoa, nhiều điều tinh tế nhưng về một phương diện nào đó nó cũng vẫn cứ thiên về cái cụ thể, vẫn chưa nói được cái điều tôi muốn nói đến nhất là những cái tinh hoa, quyến rũ của đất và người Hà Nội. Tôi chọn không gian văn hóa của một gia đình thi thư nhưng không nhằm một gia đình cụ thể nào, gắn với một nghề nào (thầy đồ, học quan, thầy thuốc...) mà chọn một kiểu gia đình nhưng không phải chỉ tập trung cho một gia đình cụ thể mà là một kiểu gia đình mà ở đó những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của một quan niệm sống, một lối sống đã hình thành qua nhiều thế hệ, nó đủ để chỉ ra cho mọi người thấy một hệ giá trị mà những con người trong đó với tư cách là những nhân cách văn hóa đã tham gia xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị của những quan niệm đó trong cộng đồng. Như vậy cái không gian văn hóa gia đình thi thư mà tôi đề xuất không gắn với một gia đình cụ thể nhưng lại được tạo nên bới rất nhiều cái cụ thể, có thể là những tập hợp của từ nhiều gia đình, nhiều thời gian khác nhau, có tính lẻ tẻ, riêng biệt... nhưng khi được đặt cạnh nhau nó tạo ra cho người xem một cảm nhận về một không gian văn hóa thống nhất và hệ giá trị tinh thần nhất định. Cuối cùng, Hội đồng thống nhất với đề nghị của tôi và cuộc trưng bày đã thành công. Đồng chí Trương Quang Được, lúc đó là Phó Chủ tịch Quốc hội cũng xuất thân từ một gia đình thi thư, đã rất xúc động khi gặp lại trong cuộc trưng bày, những bóng hình của một thời kỳ mình đã từng trải qua. Tôi đã chứng kiến một bà cụ ngoài 80 tuổi ngồi khóc nức nở trước chiếc bàn trang điểm rất bình dị nhưng trang nhã trong một phòng ngủ và nói: “Tôi khóc vì ngồi ở đây, tôi lại nhớ ngày xưa mẹ tôi đã chải đầu như thế nào và dạy tôi cách vấn tóc trong một căn phòng cũng như thế này. Ngồi ở đây tôi nhớ mẹ”. Hỏi ra mới biết cụ vốn là con gái một gia đình như tôi đã hình dung ở khu vực ba sáu phố phường.

3. Từ sự việc trên, tôi rút ra mấy nhận thức sau:

a. Tôi coi cuộc trưng bày này chỉ là sự thể hiện cụ thể của một ý tưởng có tính nghiên cứu về một đối tượng mang tính tổng hợp, liên ngành. Chiếc xích lô, những hiện vật của một làng nghề đều là những hiện vật có thật, đều là một phần của lịch sử ở một vùng đất, một nghề nghiệp, là những dấu tích không thể bác bỏ của một giai đoạn. Nhưng, đặt trong một mối quan hệ mang tính tổng thể để hiểu về những giá trị văn hóa, tinh thần mang tính đặc trưng, tiêu biểu của một vùng văn hóa, chúng lại rất ít giá trị, thậm chí có thể làm cho người ta hiểu sai lệch về truyền thống và lịch sử của vùng đất đó. Bản thân sự việc không mang ý nghĩa đó, thậm chí, ở một góc nhìn cụ thể, hẹp nó rất có ý nghĩa nhưng vượt ra ngoài khuôn khổ đó, nó đã mang ý nghĩa khác. Vì vậy, khi nghiên cứu những giá trị văn hóa, rất cần đến sự “vượt qua” những cái cụ thể, có thật vì đôi khi những cái đó trở thành những tử huyệt cho những kết luận tuy logic về hình thức chặt chẽ nhưng rất xa với thực tế về bản chất.

b. Nghiên cứu một giai đoạn cụ thể cần chú ý đến những trường hợp chọn mẫu điển hình. Theo tôi, lựa chọn những nhân cách văn hóa, cụ thể là giới trí thức, là rất đáng tin cậy. Trí thức, ở thời kỳ nào cũng vậy, ở cái phần đông đảo nhất và tinh hoa nhất đều tiêu biểu cho tính cách dân tộc, lương tâm thời đại. Ở giới trí thức kết tinh những phẩm chất tiêu biểu của cộng đồng và quá trình tác động trở lại cộng đồng là những giá trị của giới lan tỏa trong đời sống, có tác dụng như những chuẩn mực của đời sống để định hướng và hướng dẫn lối sống của cộng đồng. Nghiên cứu văn hóa mà không chú ý đúng mức điều này rất dễ dẫn đến những ngộ nhận. Do những điều kiện khác nhau, cái thực tế này thường bị các lớp bụi thời cuộc hoặc những sự kiện hàng ngày che lấp đi, không làm cho cái phần giá trị ấy bộc lộ ra. Do đó, người nghiên cứu cần thận trọng để không để bị “đánh lừa” bởi bất cứ lý do gì có thể dẫn đến việc hiểu sai lệch vấn đề.

c. Người ta thường nói bất cứ sự khái quát nào cũng phải dựa trên những tư liệu cụ thể. Điều đó hiển nhiên là chân lý. Nhưng rõ ràng, nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, văn hóa nói riêng, đôi khi lại cần khái quát từ những cái gì rất trừu tương, thậm chí phải xuất phát từ khái niệm, ý thức. Cái gọi là không gian văn hóa gia đình thi thư mà chúng tôi đã tổ chức 3 lần đều đem lại những hiệu quả khác nhau. Một không gian phòng khách, một không gian nghỉ ngơi thư giãn, một buổi hát cô đầu được phục dựng trong không gian ấy đều có rất nhiều chi tiết như thật, nhất là buổi hát cô đầu và buổi uống rượu, chơi cờ của những người mà chúng tôi giả định là những tao nhân, mặc khách. Còn lại toàn bộ chỉ là phảng phất, bàng bạc cái không khí ấy, hồn cốt ấy nhưng các vị cao niên ở thủ đô, các nhà nghiên cứu văn hóa đã từng đến các cuộc trưng bày này đều nói rằng cái chất Hà Nội cổ rất đậm nét. Như vậy, cái chất Hà Nội cổ dù chỉ được tái hiện ở những yếu tố khái quát, trừu tượng nhưng lại có khả năng tạo sự cảm nhận về cái có thực. Ở đây có cả yếu tố tri thức do sách vở đưa lại với cả những hồi ức về không khí một thời đã qua sống dậy. Cái thực và ảo nương tựa vào nhau tạo nên nhận thức đầy đủ hơn về một thời đã qua. Trong một số tranh luận về những nhân vật hoặc giai đoạn lịch sử nhân một số phim cổ trang mới làm thời gian gần đây có sự lầm lẫn đáng tiếc ở chỗ một số người thường đưa ra những chi tiết này hay khác ở một cuốn sử nào đó để bác bỏ hay ủng hộ một tác phẩm nghệ thuật theo quan niệm điều đó có hay không có trong lịch sử. Tôi cho rằng ở đây có hai sự lầm lẫn không đáng có: thứ nhất không nên đem sự thực lịch sử áp vào tác phẩm nghệ thuật rồi thấy những chỗ không trùng nhau thì cho rằng xuyên tạc lịch sử. Nghệ thuật khác lịch sử ở chỗ nó “như thật” chứ không phải là thật. Thứ hai, không có cuốn sử nào chép được đầy đủ thời đại của mình ở mọi phương diện, mọi góc độ. Và sử, dù sao cũng không đặt mục tiêu “vẽ chân dung” nhân vật lịch sử, chân dung thời đại còn nghệ thuật lại làm việc đó. Mặt khác, đã từng xảy ra việc vì những mục đích cụ thể, có sử gia không ngần ngại “sáng tạo” lại lịch sử và không phải điều nào chúng ta cũng có thể kiểm chứng được.

4. Trong thời kỳ cận đại văn hóa Hà Nội chịu sự tác động mạnh mẽ của các xu hướng văn hóa và quá trình tiếp biến diễn ra dưới nhiều khuynh hướng. Nhưng, dù theo hướng nào thì cái phần nổi trội nhất, tiến bộ nhất vẫn đồng hành cũng với truyền thống văn hóa dân tộc, vẫn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt ngày càng phong phú hơn. Những năm xây dựng đất nước sau hòa bình, thời chống Mỹ, thời mở cửa... những phẩm chất tiêu biểu cho văn hóa Hà Nội vẫn tiếp tục tỏa sáng. Cách thể hiện ra có những điều khác trước nhưng hồn cốt của nó vẫn là một dòng chảy liên tục từ truyền thống đến hiện tại. Nó vẫn là một hệ giá trị, chỉ có điều nội dung của nó, quá trình hình thành những phẩm chất cũng gắn với thực tiễn lịch sử. Nó gắn nhiều hơn với đại chúng nhưng cũng từ đây, một số khiếm khuyết được bộc lộ như nó mở ra ở chiều rộng nhiều hơn thì về chiều sâu và đỉnh cao không phong phú như ở giai đoạn trước.

5. Trong khi triển khai công việc, chúng tôi bắt gặp một thực tế không có cách nào giải quyết được thật như ý, thật ổn thỏa là khi triển khai thực hiện một dự án, một công trình mới nào đó lại đụng đến vấn đề bảo tồn di sản. Có những việc, khi lựa chọn những yếu tố nào đó để bảo tồn (như một lễ hội, một sinh hoạt văn hóa...) lại luôn gặp phải những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ở chỗ bảo tồn yếu tố ấy để làm gì và làm thế nào để bảo tồn? Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá giá trị của một hiện tượng văn hóa nhưng suy cho cùng vẫn là nó đem lại cho con người cái gì? Tôi không ngạc nhiên khi thấy có người nói lý thuyết rất hay nhưng đụng vào thực tế lại xử lý không chính xác. Ai cũng nhận thấy việc tiếp nhận các giá trị văn hóa của các dân tộc khác để làm phong phú thêm đời sống văn hóa của dân tộc mình là một nhu cầu và ông cha ta đã làm từ lâu rồi nhưng ý tưởng đặt tên các phố và xây dựng các khu phố đặc trưng cho các thành phố nổi tiếng trên thế giới ở Hà Nội lại là một điều kỳ dị. Ý tưởng dựng bia Tiến sĩ thời nay nhằm mục đích tôn vinh các Tiến sĩ thời nay cũng là một điều tương tự. Có thể ý tưởng này xuất phát từ một mong muốn tốt, cho dù nó chưa thuyết phục nhưng điều đó nói lên một thực tế rằng đối với lĩnh vực văn hóa, lựa chọn cái gì để làm đòi hỏi sự thận trọng cao độ bởi nó để lại những di chứng rất khó lường. Nhưng, cái xấu, những khiếm khuyết của văn hóa truyền thống đôi khi không phải cần loại bỏ ngay mà nếu biết khai thác, vẫn có ích cho xã hội. Ở trung tâm Brussels có một khu phố được nhà cầm quyền cho xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước theo một phong cách kiến trúc không ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh. Bây giờ, nó vẫn tồn tại và nhà chức trách thành phố mỗi khi đưa khách đến đây đều nói khu phố này là bằng chứng xấu xí cho những sai lầm của một thời. Khách du lịch cũng đến rất đông và ai cũng cảm nhận được sai lầm đó và thán phục cách khai thác sai lầm của quá khứ để làm ra tiền và cảnh báo cho người khác đừng để lặp lại những sai lầm như vậy. Việc phục dựng lễ hội ở ta thời gian vừa qua gây ra nhiều điều lo ngại cho xã hội bởi tính chất thế tục hóa những lễ hội có tính chất tôn giáo nhưng mang ý nghĩa nhân văn cao. Rõ ràng ngay cả cái gọi là nhu cầu hiện đại có thực cũng cần được xử lý đúng mức chứ không thể vì nhân danh nhu cầu hiện đại mà làm hỏng cả những khía cạnh hay những toàn bộ hiện tượng văn hóa đã nảy sinh và tồn tại trong đời sống dân tộc. Nhiều người cứ nói đến việc bảo tồn phố cổ, làng cổ một cách chung chung mà thiếu nghiên cứu cặn kẽ những đối tượng ấy và nêu ra những giải pháp cụ thể trong mối quan hệ với đời sống đang biến động. Nếu giữ những cái đó như một bảo tàng thì lại phải chọn cách ứng xử khác còn nếu phố cổ, làng cổ vẫn có dân sinh sống với những nhu cầu hiện hữu và những quan hệ xã hội hiện nay thì không thể làm như cách chúng ta đang làm được. Bởi phố cổ hay làng cổ không phải chỉ ở trong kiến trúc của những ngôi nhà ấy mà còn ở không gian văn hóa của một làng, một khu phố, ở hồn cốt của nó trong những con người đang sống chứ không chỉ ở cái hình thức.Và ngay cả trong những hình thức ấy cũng cần nhìn nhận nó trong sự vận động, biến đổi.

6. Khi lập dự án bảo tồn không gian văn hóa Văn Miếu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn ở chỗ rất ít người đồng tình với việc phải tập hợp cho đủ các tư liệu liên quan đến tất cả những gì có dấu tích ở nơi đây. Giản đơn là vì người ta chỉ nghĩ đến những gì có ở Văn Miếu, còn nhìn thấy ở đây mà không cho rằng những thứ rất quan trọng, có khả năng giúp ta hiểu sự vật đầy đủ hơn lại nằm ở một nơi nào khác Văn Miếu, thuộc về một cái gì khác chứ ít liên quan đến nơi này. Chẳng hạn đối với một tấm bia có ghi tên các tiến sĩ của một khoa thi nào đó, theo chúng tôi, phải có đủ hồ sơ về quê quán, sự nghiệp, trước tác của các vị tiến sĩ ấy, những gì có liên quan đến họ chứ không phải chỉ là vài dòng sơ lược về tiểu sử. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều công sức nhưng chỉ có như thế mới cấp cho chúng ta hiểu đầy đủ về ngôi trường đại học đầu tiên của dân tộc với các tầng, lớp văn hóa khác nhau. Như vậy, khái niệm không gian văn hóa của Văn Miếu đã mở rộng hơn rất nhiều giới hạn địa lý của nó. Biết thế mà vẫn chưa thể làm bởi quan niệm của một số đơn vị chức năng chưa thông với yêu cầu của công việc và vì thế mà chúng tôi chưa cung cấp đủ cho người xem toàn bộ hệ giá trị của hiện vật. Điều này bất lợi về mặt khoa học và bất lợi ở cả khía cạnh kinh tế nữa.

7. Giới nghiên cứu về Hà Nội trong nhiều năm qua đã cho ra đời nhiều công trình rất có giá trị. Đó là thành quả to lớn không cần bàn cãi. Nhưng, vẫn còn nhiều việc cần làm, vì, theo nhận thức của chúng tôi, khu vực truyền thống được nghiên cứu nhiều, khá kỹ, các lĩnh vực chuyên sâu về lịch sử, văn học, khảo cổ, giáo dục, truyền thống văn hóa, kinh tế, làng nghề, phố nghề, ẩm thực... được chú ý nhiều hơn là những vấn đề đương đại, những lĩnh vực mới như xã hội học, khoa học phát triển, khoa học công nghệ, y tế, môi trường, quan hệ chính trị, cộng đồng v.v... Hà Nội ngày nay lại được mở rộng, phát triển từng ngày nên càng cần có những công trình nghiên cứu mang tính liên ngành, áp sát thực tiễn hơn nữa. Xã hội vận động với một tốc độ khác xưa, với những vấn đề mới này sinh và thay đổi liên tục nên việc nghiên cứu Hà Nội ngày nay cần sự hợp tác nhiều hơn. Hơn nữa, là thủ đô của một nước, là trung tâm lớn nên tất cả những vấn đề của một đô thị đầu mối đang tác động mạnh mẽ đến diện mạo văn hóa của Hà Nội. Làm cách nào để biến những ưu thế về văn hóa trở thành những giá trị nội sinh, góp phần thúc đẩy thủ đô phát triển toàn diện là điều cần đặt ra đầu tiên. Phát triển bền vững là mục tiêu và chỉ có dựa trên nền tảng văn hóa mới có thể đạt được điều đó. Nói như Bác Hồ thì “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ đúng ở trong những năm tháng đất nước mới giành được độc lập, cần hợp lực để xây dựng một nền văn hóa mới mà còn giữ nguyên ý nghĩa khoa học và tình thời sự. Như vậy, văn hóa cần đi trước chứ không phải chỉ là sản phẩm của sự phát triển kinh tế, xã hội nhưng không phải văn hóa chung chung mà nói đến những yếu tố cụ thể của văn hóa. Như vậy, chọn cái gì và làm như thế nào là một câu hỏi lớn, cần tìm lời giải đáp thỏa đáng mới có thể đảm bảo cho sự thành công.

8. Văn hóa Hà Nội luôn vận động, biến đổi, thích nghi với những biến đổi của lịch sử. Cái gì còn lại đến ngày hôm nay là những tinh hoa ông cha ta đã xây đắp và gìn giữ nhưng không phải tất cả những cái còn lại này đều mang ý nghĩa tiêu biểu, tinh hoa. Những cái dù là tốt đẹp của quá khứ nhưng bây giờ nếu đã lỗi thời cũng cần phải từ bỏ, giống như những cái chưa phù hợp, cái xấu dù bị đào thải dần nhưng không phải tự nó sẽ biến mất với thời gian vì chừng nào con người còn tồn tại, những yếu tố đó còn có đất sống. Do đó cũng cần có thái độ đúng mức trong cách ứng xử với quá khứ vì biết giũ bỏ quá khứ, ngay cả quá khứ vinh quang, cũng là cần thiết vì quá khứ cũng chỉ là một phần của đời sống chứ không phải là tất cả.

Tháng 12 năm 2011

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội từ góc nhìn một “người nhà quê”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.