(HNM) - 65 năm sau ngày Thủ đô được giải phóng, vẫn lưu giữ những ký ức hào hùng thuở nào, Hà Nội đã vươn lên phát triển mạnh mẽ với dáng vóc của một trong những thành phố năng động hàng đầu khu vực. Nhân sự kiện trọng đại này, các nhà ngoại giao sống, làm việc và gắn bó với Hà Nội đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá về sự thay đổi của thành phố cũng như tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Đại sứ Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera:
Hà Nội là một trong những đầu tàu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Sau 65 năm giải phóng Thủ đô, Hà Nội đang có sự phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Hiện tại, Hà Nội là tham chiếu cho đất nước về sự tăng trưởng kinh tế và là một trong những đầu tàu về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế đến đây hằng năm để thưởng thức ẩm thực, văn hóa và cảnh quan của thành phố. Hà Nội là sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại với một nền văn hóa đa dạng, tinh tế. Tôi cảm nhận được sự hiếu khách và tình cảm của người dân Thủ đô, đặc biệt mỗi khi họ biết tôi đến từ đất nước của lãnh tụ Fidel Castro. Trong những năm gần đây, Hà Nội và Cuba đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hợp tác và trao đổi đoàn các cấp ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương.
Tại Hà Nội, Đại sứ quán Cuba luôn chủ động tham gia các hoạt động văn hóa do thành phố và các đơn vị tổ chức nhằm thúc đẩy sự giao lưu và gắn kết giữa hai bên. Năm tới, Việt Nam và Cuba sẽ tổ chức 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một cơ hội đặc biệt để Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam và thành phố Hà Nội có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa, đóng góp thiết thực vào việc củng cố mối quan hệ đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Cuba.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio:
Hà Nội đang đứng trước những cơ hội lịch sử
Tôi may mắn khi được sống và làm việc tại Hà Nội vào thời điểm thành phố đang đứng trước những cơ hội lịch sử và tràn đầy năng lượng để bứt phá. Tôi cũng hết sức cảm kích khi nhiều người dân Hà Nội luôn thể hiện sự thân thiện và dành tình cảm yêu mến cho đất nước, con người Nhật Bản. Việc Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội xây dựng được quan hệ hợp tác chặt chẽ đã đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy sự bền chặt của quan hệ hai nước. Tôi mong muốn Hà Nội với vị trí là Thủ đô và cũng là cửa ngõ của Việt Nam, sẽ trở thành một thành phố hình mẫu trong quá trình phát triển. Hiện nay, Hà Nội đang nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư, thể hiện qua nhiều khía cạnh, trong đó có việc lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp và giải quyết nhanh chóng vấn đề. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào thành phố.
Đến nay, Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với Hà Nội trong các dự án xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân… Trong thời gian tới, Nhật Bản mong muốn đóng góp để sớm hiện thực hóa việc xây dựng đường sắt đô thị và việc phát triển khu vực phía Bắc Hà Nội. Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng tăng cường hơn nữa hợp tác với Chính phủ Việt Nam và thành phố Hà Nội nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm, xử lý phế thải, rác thải nhựa... Về hợp tác địa phương, Hà Nội đã thiết lập mối quan hệ liên kết lâu dài với nhiều tỉnh, thành phố của Nhật Bản như Tokyo, Kanagawa, Yokohama, Saitama, Fukuoka. Tôi hy vọng, bên cạnh các lĩnh vực như đầu tư và giao lưu nhân dân, những hợp tác đang ngày càng hiệu quả này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của Hà Nội.
Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen:
Hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội và các địa phương của Bỉ mang lại kết quả tốt đẹp
Các điểm tham quan của Hà Nội mà tôi thực sự yêu thích như hồ Hoàn Kiếm hay Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhắc nhở về những di sản văn hóa, lịch sử đáng tự hào. Không có gì thú vị hơn là nhâm nhi một tách cà phê, ăn một chiếc bánh mì hay một bát phở trong khu phố cổ và quan sát người Hà Nội ngược xuôi trên đường phố. Mặc dù chất lượng cuộc sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt trong những thập niên qua, nhưng giống nhiều thành phố đang phát triển khác, Hà Nội phải đối mặt với một số thách thức từ đô thị hóa như ô nhiễm, ùn tắc giao thông... Để khắc phục, tôi cho rằng, Hà Nội nên tập trung đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng. Mạng lưới xe buýt nên được mở rộng và bao trùm một khu vực lớn hơn. Ngoài ra, Hà Nội có thể thúc đẩy giao thông xanh như xe đạp, xe đạp điện thay cho ô tô và xe máy.
Bỉ đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội vào năm 1973 và kể từ đó đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam bất chấp nhiều biến động của lịch sử. Các địa phương của Bỉ cũng đã hợp tác hiệu quả với Hà Nội trong nhiều dự án, đặc biệt là bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ trong dự án giữa Vùng thủ đô Brussels và thành phố Toulouse (Pháp). Các trường đại học Bỉ cũng có truyền thống hợp tác lâu dài với các trường đại học ở Hà Nội. Thông qua sự liên kết phát triển mô hình đào tạo giữa Đại học Tự do Brussels và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, 51 trường đại học tại Việt Nam đã nhận được hỗ trợ từ Liên minh châu Âu. Tôi tin tưởng rằng, hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội và các địa phương của Bỉ sẽ tiếp tục mang lại nhiều kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro:
Người dân Hà Nội có ý thức cộng đồng mạnh mẽ
Lần đầu tiên đến với thành phố sôi động này, tôi đã bị xúc động mạnh bởi lòng hiếu khách và tình cảm nồng hậu của người dân. Tôi quan sát làm thế nào du lịch ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ và điều này đã được lý giải khi tôi chiêm ngưỡng những cảnh quan đẹp đẽ và kiến trúc độc đáo kể lại câu chuyện về lịch sử, văn hóa của Thủ đô nghìn năm tuổi. Hà Nội cũng là một thành phố năng động, an toàn với những người dân có ý thức cộng đồng mạnh mẽ.
Với việc chia sẻ nhiều nhận thức chung, Hà Nội và các địa phương của Việt Nam có tiềm năng hợp tác lớn với Nam Phi trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Cho dù Hà Nội đang phải đối mặt với những khó khăn để duy trì thành quả phát triển, nhưng tôi cho rằng thách thức là một động lực của tăng trưởng. Chúng ta đã bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Hà Nội cũng như Việt Nam cần tận dụng thời cơ này để hướng tới sự phát triển thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.