(HNM) - Đến nay, Hà Nội luôn là địa phương được đánh giá cao trong công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; trong đó rất chú trọng công tác hỗ trợ thành lập doanh nghiệp để tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền. Ảnh: Hữu Tiệp |
Địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư
- Ông có thể cho biết việc thu hút đầu tư trên địa bàn Hà Nội trong nửa đầu năm nay đạt kết quả ra sao?
- 6 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đã đạt 128.875 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn nhà nước tăng 2,5%, vốn ngoài nhà nước tăng 16,2%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 7,7%. Như vậy, diễn biến thu hút đầu tư trên địa bàn đang trong xu thế tăng và khá đồng đều giữa các khu vực.
Đặc biệt, trong tháng 6-2018, thành phố đã tổ chức thành công hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tại sự kiện này, UBND thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án, với tổng số vốn đầu tư là 397.335 tỷ đồng (tương đương hơn 17 tỷ USD), trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn hơn 5,4 tỷ USD, 60 dự án trong nước với tổng vốn là 267.274 tỷ đồng.
Theo tôi, bản thân các con số trên đủ chứng minh sức sống của Hà Nội - địa chỉ xứng đáng, tin cậy của các nhà đầu tư.
- Vậy, bức tranh về doanh nghiệp dân doanh, trong đó có số lượng doanh nghiệp mới ra đời, vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước thế nào?
- 6 tháng qua, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 12.469 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 142.251 tỷ đồng, tăng 50% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội lên 242.932 đơn vị. Tuy nhiên, thành phố cũng đã thực hiện thủ tục giải thể cho 742 doanh nghiệp (tăng 35% so với cùng kỳ năm trước), 3.901 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 37%). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 1.824 doanh nghiệp (giảm 7%).
- Theo ông, tiềm năng vốn dân doanh và khả năng thu hút vốn đầu tư từ khu vực này trên địa bàn Hà Nội hiện có gì thay đổi so với thời gian trước?
- Trong giai đoạn 2016-2017, thời điểm mới thi hành Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng ký có dấu hiệu chững lại, nhưng có sự gia tăng về số lượng vốn điều lệ như đề cập ở trên.
Theo tôi, Hà Nội luôn có tiềm năng lớn trong việc thu hút vốn dân doanh. Hiện tại, Hà Nội có khoảng 160.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Việc chú trọng, khuyến khích nhóm đối tượng này chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhằm thu hút được một khối lượng lớn vốn đầu tư là hướng đi đúng và rất quan trọng.
- Ông có thể nêu rõ vai trò, sức mạnh cũng như tầm quan trọng của doanh nghiệp dân doanh đối với nền kinh tế Thủ đô, nhất là trong tương lai?
- Hà Nội hiện có 242.932 doanh nghiệp, đứng thứ 2 trên cả nước, trong đó có tới 97% số doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ và vừa. Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp dân doanh không ngừng phát triển, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố, tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động (mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho hơn 140.000 người lao động). Đội ngũ doanh nghiệp đã, đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển
- Một số địa phương bạn đã thừa nhận kết quả nổi bật và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm về cải cách thủ tục hành chính trong hỗ trợ doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ về điều này?
- Chúng tôi bám sát và thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết số 35/NQ-CP (ngày 16-5-2016) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg (ngày 6-6-2017) của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai thực hiện mô hình “cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện” hướng đến nền hành chính phục vụ, đem đến sự hài lòng cho tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Ngay từ đầu năm nay, Sở đã chính thức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tiện ích cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử.
Cụ thể là dịch vụ đăng ký trước số tài khoản ngân hàng thông qua Cổng thông tin điện tử của Sở (được kết nối với các ngân hàng thương mại), sẽ giúp doanh nghiệp thành lập mới bớt được một lần thực hiện thủ tục hành chính về thay đổi thông tin thuế - đăng ký thông tin tài khoản ngân hàng. Trước đây, để hoàn tất thủ tục hành chính doanh nghiệp mất 9 ngày làm việc, thì nay rút ngắn còn 6 ngày làm việc.
Đặc biệt, Sở đã gửi thư chúc mừng tới các doanh nghiệp mới thành lập kèm các gói quà tặng của các đơn vị tư vấn về quản trị doanh nghiệp (phần mềm kế toán, phần mềm quản lý văn bản, tư vấn thuế; tư vấn quản lý văn bản, hợp đồng…).
- Với đặc thù của Thủ đô, dân số đông, công việc nhiều, Sở Kế hoạch và Đầu tư nói chung và bộ phận đăng ký kinh doanh nói riêng phải đối diện với những thách thức, khó khăn gì?
- Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ có mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh”. Thực hiện mục tiêu này, UBND TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 147/KH-UBND và đề ra chỉ tiêu: “Phấn đấu có thêm 200.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020”. Phải xác định rằng, việc phấn đấu đạt được chỉ tiêu này không dễ dàng, nhưng chúng tôi luôn chủ động tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp ra đời, phát triển.
Trong 3 năm qua, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp tăng rất nhanh, khối lượng công việc của cơ quan Đăng ký kinh doanh thuộc Sở tăng thêm khoảng 40% về mặt số lượng hồ sơ giao dịch. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện nộp 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng góp phần làm giảm chi phí cũng như thời gian đi lại cho các cá nhân, doanh nghiệp, nhưng cũng làm cho các cán bộ phải giải quyết nhiều việc hơn trước.
Khối lượng công việc gia tăng trong khi thành phố lại chịu áp lực tinh giản biên chế, nên lãnh đạo Sở thường xuyên động viên các cán bộ, công chức, viên chức cố gắng hoàn thành tốt công việc. Việc làm thêm giờ là hoạt động thường xuyên đối với nhiều cán bộ thuộc Sở.
Tôi cho rằng, sự thông thoáng của pháp luật, cùng với nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm” trong thành lập doanh nghiệp một mặt tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng mặt khác dẫn đến việc một số doanh nghiệp lợi dụng các kẽ hở pháp luật để thu lợi bất chính. Từ đó, đặt ra yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong theo dõi, giám sát quản lý hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký.
Kiên trì cải cách
- Để hoàn thành nhiệm vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất gì với thành phố cũng như các ngành chức năng?
- Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, bên cạnh việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong đăng ký, quản lý doanh nghiệp sau đăng ký và hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì và phối hợp xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp" trên địa bàn Hà Nội. Sở sẽ báo cáo, đề xuất thành phố sớm thông qua đề án ''Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp" và "Khởi nghiệp sáng tạo" để có thể triển khai các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Sở cũng kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số nội dung như: Đề xuất với Chính phủ trong việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Nghị định 78/2015/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; Nâng cao hơn nữa các tiện ích trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia để giúp cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan đăng ký kinh doanh có thể sử dụng một cách hiệu quả...
- Được biết, từ ngày 1-8 tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ có một số đổi mới về thủ tục trong cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
- HĐND thành phố đã thông qua nội dung chi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND thành phố phê duyệt bổ sung thực hiện hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, doanh nghiệp thành lập mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Cụ thể, dự kiến từ tháng 8-2018, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ nhóm đối tượng trên với 3 khoản: Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới; Hỗ trợ kinh phí làm một con dấu pháp nhân đối với doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp thành lập mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhu cầu nhận kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà, hoặc trụ sở làm việc.
- Theo ông, việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ đóng góp thế nào vào việc cải thiện thứ hạng của Hà Nội trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)?
- Theo tôi, khó có thể xác định chi tiết tác động, hiệu quả của việc này đối với PCI, nhưng rõ ràng đó là đầu vào, trực tiếp thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh trên địa bàn và chắc chắn sẽ cải thiện thứ hạng của Hà Nội trong bảng PCI. Hà Nội đang trên đà thăng hạng suốt mấy năm qua, điều đó thể hiện rõ khát vọng, kiên trì cải cách, sự quyết tâm của thành phố nói chung, Sở Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong việc tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.