(HNM) - Mùa mưa bão năm nay sẽ đến sớm hơn, mưa, lốc xoáy xảy ra nhiều hơn với cường độ mạnh. Do đó, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ xuân, triển khai kịp thời vụ mùa, vụ đông và chủ động phòng, chống mưa lũ, ngập úng là những nhiệm vụ cấp bách hiện nay của TP Hà Nội.
Đây là những vấn đề được bàn luận tại Hội nghị sơ kết sản xuất vụ xuân, triển khai vụ mùa, vụ đông và công tác phòng, chống lụt, bão, úng của Hà Nội năm 2011 diễn ra sáng 7-6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Vụ xuân bội thu
Đến thời điểm này, cây lúa vụ xuân của Hà Nội đang diễn biến thuận lợi, sạch sâu bệnh, dự báo thắng lớn về diện tích, sản lượng và năng suất. Toàn thành phố gieo trồng 127 nghìn hécta, trong đó lúa xuân 100 nghìn hécta, hoa màu 27 nghìn hécta. Dù đầu vụ gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài song nông dân gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc đúng khung thời vụ, đúng kỹ thuật nên đạt kết quả tốt. Tại các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì... năng suất lúa cao hơn nhiều so với bình quân nhiều năm, một số nơi đạt 70 đến 80 tạ/ha. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Ngọc Thạch cho rằng, so với vụ xuân năm 2010, cơ cấu giống lúa lai đã tăng 3,1%, lúa thơm, nếp tăng 5%. Diện tích thâm canh lúa cải tiến tiếp tục được mở rộng, tổng diện tích ứng dụng khoảng 40 nghìn hécta. Diện tích lúa chất lượng cao sản xuất theo chương trình phát triển lúa hàng hóa là 12 nghìn hécta, đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã được đẩy mạnh, diện tích gieo sạ đạt 7.655ha, tăng 1.758ha.
Chủ động hơn trong vụ mùa, vụ đông
Trong 6 tháng cuối năm 2011, thời tiết được dự báo sẽ phức tạp, cực đoan hơn các năm trước như sẽ có mưa lớn, bão, lốc xoáy... nên khả năng gây ngập úng cuối vụ xuân và ảnh hưởng đến vụ mùa, vụ đông rất cao. Cao điểm nhất là từ tháng 8 đến tháng 10-2011. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, một số địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống lụt, bão, úng. "Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai sơ sài, còn hiện tượng sao chép của năm trước dù thời tiết năm sau phức tạp hơn. Phương châm "4 tại chỗ" chưa được các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, khả năng huy động khi xảy ra úng ngập sẽ gặp khó khăn..."- ông Trịnh Duy Hùng nhận định. Vì vậy, các địa phương cần chuẩn bị tốt phương tiện phòng, chống úng, khẩn trương hoàn thành công tác sửa chữa, tu bổ công trình thủy lợi, nạo vét kênh tiêu...
Dự báo, vụ xuân sẽ kéo dài từ 15 đến 20 ngày so với dự kiến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ và nguồn cung ứng giống chuyển vụ. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, cân đối nguồn để chủ động về giống, nếu cần thiết, cần tính ngay đến phương án đặt mua giống. Thực hiện cơ cấu giống lúa phù hợp, tăng tỷ lệ giống lúa ngắn ngày (thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày); tăng cường gieo thẳng bằng công cụ kéo tay; thực hiện tốt các biện pháp thâm canh để rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa mùa. Bên cạnh đó, các địa phương phải thường xuyên thăm đồng, chỉ đạo các xã, thị trấn thu hoạch nhanh gọn lúa xuân, cấy ngay lúa mùa, thực hiện khẩu hiệu "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch khi "lúa hoa ngâu", linh hoạt trong khâu rút nước cho lúa chín nhanh và giữ nước để làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất và gieo cấy ngay đến đó.
Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo cấy vụ mùa 2011 là 118.758ha, trong đó lúa 102.164ha, cây màu 16.594ha. Đối với vụ đông, khó khăn lớn nhất hiện nay là thời gian sinh trưởng của lúa xuân kéo dài cũng làm ảnh hưởng tới thời vụ. Các địa phương cần bảo đảm diện tích đất gieo trồng vụ đông, với các giống cây đỗ tương, ngô ngắn ngày; tăng diện tích khoai tây, khoai lang gieo trồng trên đất 2 lúa. Bên cạnh đó là gieo trồng cây rau màu có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Theo kế hoạch, vụ đông sẽ gieo trồng 61 nghìn hécta, gồm đậu tương, ngô, khoai lang, rau, hoa, cây cảnh... phấn đấu giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.