(HNMO) - Ngày 9-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình ứng phó với dịch trong bối cảnh nhiều ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Dự cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội.
Kiến nghị thu phí cách ly tại khách sạn, cơ sở ngoài quân đội…
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thời gian gần đây, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chính là ngăn chặn dịch Covid-19 quay trở lại và giải ngân gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đang thực hiện tốt việc cách ly người từ nước ngoài về. Trong đó, việc cách ly tập trung đối với người Việt Nam về nước do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện. Đến ngày 8-6, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang quản lý 13 cơ sở cách ly tập trung với tổng số 853 người. Người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam được bố trí cách ly ở 4 khách sạn với quy mô 572 giường và hiện có 224 người đang cách ly.
Thành phố cũng tổ chức cách ly cho tổ bay của các hãng hàng không tại khách sạn Crown Plaza và khu Đoàn tiếp viên phía Bắc với quy mô 280 phòng, hiện có 37 người đang cách ly. Ngoài ra, thành phố duy trì tổ chức cách ly tại nhà, nơi cư trú cho các trường hợp có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, hiện có 28 trường hợp đang cách ly…
Từ kinh nghiệm tổ chức cách ly trong tình hình mới, đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, việc lấy mẫu xét nghiệm cho tổ bay của các hãng hàng không từ nước ngoài về Việt Nam còn bất cập khi phải lấy xét nghiệm hai lần (một lần ngay khi nhập cảnh và một lần khi đi làm nhiệm vụ hoặc hết thời gian cách ly). Trên thực tế, các tổ bay nước ngoài thường chỉ ở khách sạn từ 1 đến 3 ngày, nên việc lấy mẫu xét nghiệm 2 lần quá sát nhau và không cần thiết. Do đó, đồng chí Ngô Văn Quý kiến nghị, với các tổ bay lưu trú tại khách sạn ít ngày chỉ cần xét nghiệm một lần, trong trường hợp có kết quả âm tính, họ có thể tiếp tục thực hiện các chuyến bay. Cùng với đó, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương thu phí cách ly đối với các trường hợp cách ly tại khách sạn, cơ sở ngoài quân đội…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 không phát sinh ngoài cộng đồng trong thời gian dài trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề xuất các cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại đối với vũ trường, cơ sở karaoke.
Chi trả hơn 500 tỷ đồng cho người gặp khó khăn
Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, thành phố Hà Nội triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo nội dung Nghị quyết số 42/NQ-CP. Đến nay, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức hơn 50 hội nghị hướng dẫn việc triển khai Nghị quyết 42 đúng trình tự, thủ tục; phân công rõ nhiệm vụ để các sở, ngành, đơn vị, địa phương dễ dàng thực hiện. Theo đó, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội được các ngành, địa phương tiến hành cẩn trọng, bảo đảm đúng người, đối tượng thông qua phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ thành phố tới cơ sở, Ban Công tác mặt trận các khu dân cư, tổ dân phố, vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư, trưởng thôn…
Đến ngày 8-6, Hà Nội đã hoàn thành công tác chi trả đợt 1 cho hơn 385.000 đối tượng người có công, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí hỗ trợ hơn 474 tỷ đồng. Việc triển khai gói hỗ trợ đợt 2 với đối tượng người sử dụng lao động, người lao động cũng được thành phố vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Hiện nay, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận 153 hồ sơ của người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; hơn 2.000 hồ sơ của hộ kinh doanh cá thể; giải quyết chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 135 doanh nghiệp với gần 12.000 người lao động.
Đối tượng đông nhất, khó xác định nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) nhận được sự quan tâm đặc biệt. 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận tổng số hơn 82.000 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trong đó đã xác định hơn 39.000 hồ sơ đủ điều kiện. Một số địa phương đã bắt đầu triển khai chi trả kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng này.
Tổng kinh phí thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 đến thời điểm này là hơn 500 tỷ đồng. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đưa gói an sinh xã hội đến với người dân bảo đảm đúng người, đối tượng thụ hưởng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của thành phố Hà Nội và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội “trong trạng thái bình thường mới”.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội và đại diện các ngành chức năng về việc cho phép hoạt động trở lại đối với dịch vụ kinh doanh vũ trường, karaoke… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các đơn vị liên quan phải bảo đảm an toàn về an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng như an toàn về phòng, chống dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.