Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội - thì thầm và khe khẽ

Chu Lai| 15/02/2018 08:22

(HNM) -  Đất trời tạo nên linh khí. Linh khí tạo ra cốt cách. Linh khí Thăng Long ắt sinh ra cốt cách Tràng An. Một cốt cách hào hoa, trang nhã.


Và như có tiếng cười con gái, mắt nhìn con gái làm ấm lòng những chàng trai đi xa không hẹn ngày trở lại. Vì thế mà ở đây, tôi không có tham vọng đề cập đến phạm trù văn hóa Hà thành, một phạm trù nói cả đời không đủ mà nói một phút cũng xong, tôi chỉ xin mạn đàm về một nhánh của nó, nhánh trữ tình nhất và cũng phản ánh nhiều nhất cốt cách người Hà Nội, đó là hơi thở và giọng nói con gái miền đất ngàn năm văn hiến.

Tôi đã có cả tuổi trẻ chiến đấu ở miền Nam, đã tự coi quê hương thứ hai của mình là miền Nam, nơi có những cánh rừng lá thấp lưu dấu trong tôi cả một thời thanh niên trong giông bão chiến tranh. Nhưng Hà Nội vẫn là nơi tôi sinh ra và sẽ là nơi tôi nằm xuống. Hà Nội xôn xao bốn mùa. Lạnh thì lạnh ghê gớm nhưng đã nóng thì nóng không chịu nổi. Phải chăng chính vì thế mà cái man mác gió mùa thu, cái se lạnh nồng nàn của mùa xuân mới quý giá biết nhường nào. Cũng như sau những ngày đông giá rét, cô gái Hà Nội cởi bỏ bộ áo ấm xù xì, dày cộp ra, chân tay, mặt mày bỗng trắng mát như que kem mùa hạ, như chú gấu con xinh xẻo sau một mùa đông ủ ấm bây giờ tươi mởn mò ra khỏi hang. Và cái cười nụ chứa nắng nơi cô kia nữa, sao cứ gợi nhắc đến vị ngọt thơm của một hạt cốm làng Vòng đến thế.

Hà Nội con gái mùa nào cũng đẹp. Con gái mùa đông càng đẹp. Một cái đẹp buồn buồn. Một cái đẹp hướng nội.

Tôi thường nói, Hà Nội có hai niềm tự hào mà không phải nơi nào cũng có. Đó là cây xanh và vẻ đẹp con gái. Cây xanh thì khắc trồng khắc lên. Nhưng vẻ đẹp thì lại dường như tự nhiên mà có, như thế sông thế núi tạo nên. Cái vẻ đẹp ánh lên từ hình thức lẫn tâm hồn. Lạ thế, cuộc sống càng khó khăn, càng hiểm nghèo thì vẻ đẹp con gái càng rạng rỡ, như chống lại, như thách thức với thiên nhiên, với hoàn cảnh. Con gái giữa đời thường đã đẹp. Con gái trong chiến tranh càng đẹp. Đẹp mỏng manh, đẹp siêu thoát, đẹp tội tình giữa lằn ranh sống chết. Như vẻ đẹp suốt đời không bao giờ quên được của những cô du kích, giao liên thấp thoáng đi trong rừng chiều năm xưa. Nhưng có lẽ cái làm ta đau đáu nhất là giọng nói. Giọng nói con gái Hà Nội thật nhẹ, thật chuẩn, thoáng chút giận hờn, thoáng chút tinh nghịch, thoáng chút nhõng nhẽo như chưa lớn, như vừa mới lớn, như chưa yêu lại như vừa được yêu, đang yêu, ngọt lịm, tinh khiết, như hát như ru và như... có gió thổi vi vu ở đầu lưỡi. Tiếng gió làm duyên cả những câu khó nói, những điều khó thốt thành lời.

Tiếng nói con gái là tiếng động khe khẽ của tình yêu. Khi yêu người ta có thể nói bằng mắt, có thể nói bằng miệng. Con gái Hà Nội biết nói bằng cả hai thứ một lúc. Nói vi vu, nhìn lúng liếng, bổ sung, hỗ trợ, đắn đo, ào ạt, sức nào chịu nổi. Tiếng nói ấy cũng biến động chút chút theo biến thiên dòng đời. Thời chiến tranh là tiếng gió nhẫn nại phả chút ngậm ngùi ly biệt. Thời bao cấp ảm đạm, tiếng nói kia vẫn gió nhưng đã có chiều chẳng còn ru êm như trước. Thời thị trường ngang ngửa, gam màu lại chuyển sang khí sắc chói chang, thậm chí thi thoảng xen vào cả những thanh âm nghiệt ngã, rít rẩm. Và bây giờ cuộc sống đang khấm khá dần lên mà sao những tiếng nói kia dường như không lấy lại được vẻ tinh khiết thanh cao như trước nữa!

Đang đi giữa nắng nôi, cát bụi, chợt thoáng nghe một tiếng nói thanh nữ đâu đây, lòng dạ bỗng dịu mát như vừa được ai đó cho uống một gáo nước mưa ngọt lành. Hè về. Trời xanh, lá xanh, gió xanh, nắng xanh, tiếng nói con gái cũng xanh. Xanh như không thể xanh hơn được nữa. Xin cám ơn cuộc đời! Xin cám ơn tiếng gió thổi trên bờ môi con gái bên dòng sông Hồng đắp đổi phù sa đã làm vơi nhẹ đi biết bao những nhức nhối, trở trăn trong cuộc đời vật vã mưu sinh và tràn đầy khát vọng.

“... Anh, em đố anh con phố có cái tên dài nhất ở Hà Nội là phố gì nào? Ứ, khôn thế! Vậy phố ngắn nhất, phố chỉ có một ngôi nhà là phố gì?...”. Tiếng gió tuổi thơ. Không, đừng anh... “Em sợ lắm! Anh không yêu em à?” “Tiếng gió nghẹn ngào”. “Anh... Thôi thì không giữ được, anh cứ đi đi! Sau này trở về, nếu có làm sao em sẽ làm lụng nuôi anh suốt đời”. Trong gió có mưa bụi bay. “Em vẫn yêu anh... Yêu cả những khuyết tật của anh nhưng em không thể sống với anh được. Em đi đây. Chỉ mong anh tin rằng xung quanh anh vẫn còn rất nhiều người tốt. Cuộc đời này chưa phải đến nỗi bỏ đi cả đâu”. Bây giờ mới là tiếng gió thổi biệt ly. Tiếng gió vi vu. Tiếng gió buồn buồn. Vui cũng buồn buồn. Yêu cũng buồn buồn. Giận hờn cũng buồn buồn. Chia ly càng buồn buồn hơn.

Hà Nội mùa thay lá. Ảnh: Tùng Việt


Vâng, chính cái tiếng nói dịu nhẹ đó đã bỗng thành một thứ hành trang quý giá đỡ nâng cho người lính đi hết được những cánh rừng trận mạc. Vậy mà suốt cả chục năm tôi đã xa nó, nhớ nó, thèm được nghe lại nó đến cồn cào.

Thế rồi bỗng một ngày nghe tin có cô bác sĩ quân y người Hà Nội mới vượt Trường Sơn hành quân vào, đang ở trạm phẫu bên kia sông. Lắng chìm. Suốt ngày chỉ ra vào, chỉ mong trời chóng tối để vượt tám trăm mét nước sông Sài Gòn đầy cạm bẫy, ken đặc những giang thuyền trấn giữ để được sang với em. Sang chả để làm gì, cũng không cầu mong gì, chỉ vài phút thôi, chỉ để ghé tai vào vách lán nghe được một tiếng nói vi vu ở đầu lưỡi của em rồi lại bơi tám trăm mét nước chết chóc trở về, thế thôi.

Và tôi bơi. Bơi lặng lẽ, bơi chập chờn trong im lìm chết chóc. Bơi chỉ với một trái da láng dắt lưng làm phương tiện hộ vệ, bơi trong suy nghĩ vừa lãng mạn vừa điên rồ rằng, giá như bây giờ có ăn một tràng đạn của kẻ thù vào ngực thì cũng chẳng sao, chết trong trận tiền là cái chết kiêu hùng, nhưng chết vì tiếng nói của em, của cái đẹp, của những điều sâu xa ngoài chém giết thì cũng đâu có kém cạnh gì, biết đâu còn kiêu hùng hơn.

Nhưng lại không chết. Chết thế nào được khi một con người đang lặn lội đi tìm về một tiếng động cội nguồn đang đập khe khẽ trong đáy sâu lòng mình. Chỉ có điều, sau khi tìm được đến căn lán nhỏ lợp mái lá trung quân của em, toàn thân nhếnh nháng nước, thì em lại không có ở đó. Căn lán im lịm, trống lạnh như một đôi mắt mù lòa không chút ánh sáng đèn le lói. Bỗng ngơ ngẩn vỡ ra: Trời ạ, địa bàn cài răng lược mỏng manh quá đỗi thế này, làm sao một trạm phẫu có thể an lành ở nguyên một chỗ, khi nó buộc phải luôn di chuyển để giữ hệ số an toàn. Nhưng em di chuyển đi đâu? Mạn xuôi hay mạn ngược? Em vẫn còn đó hay sáng nay đã bị tụi thám kích ác độc tìm đến hủy diệt mất rồi? Ngoài kia, mặt sông đang chuyển dần sang màu sữa báo hiệu trời sắp sáng, đành phải làm nước mã hồi cho kịp thôi. Nhìn lại căn lán một lần nữa, và lòng cứ tin rằng em vẫn còn ở trong đó, êm ngủ trên võng sau một ca phẫu mệt nhoài, tôi lặng lẽ trở ra, lại thả mình vào nước làm cú vượt 800 thước đầy mìn bẫy bơi trở về. Trở về một cách trống trải nhưng lại yên tâm rằng, dù sao cũng đã đến được với em, đến được với giọng nói Hà Nội ngọt ngào, đến được với người con gái Tràng An chưa hề biết tên biết mặt mà đã thành thân quen, gần gũi.

Và kỳ lạ làm sao, sau đêm đó, cứ có cảm giác như Hà Nội ngàn trùng xa cách lại đang hiển hiện rõ ràng ngay bên kia sông, gần lắm.

Để rồi bây giờ, đã trở về sống giữa Hà Nội hơn bốn chục năm nay, ngày ngày được nghe tiếng con gái Hà Nội bủa vây xôn xao xung quanh mình bỗng lòng dạ lại chạnh buồn. Tiếng con gái thanh thanh có gió thổi vi vu ở đầu lưỡi đâu rồi? Sao bây giờ vẫn khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy, dáng hình ấy mà sao nghe khác quá, cứ lanh canh, thô ráp đến tái tê cả lòng dạ! Vâng, đã đành cuộc sống hậu chiến ngổn ngang, công cuộc đổi mới đang còn nhiều nhức nhối, đành rằng con người Hà Nội giờ đây không chỉ còn là con người Hà Nội mà người từ khắp nơi tứ chiếng đổ về, đổ về cả các vùng miền văn hóa khác nhau, xô bồ, lẫn lộn nhưng chả lẽ cái lịch lãm, hào hoa của một thời Tràng An lại phải lặng lẽ chìm đi cho sự ồn ào, sần sượng lên ngôi như một sự mặc nhiên đã rồi đến xót lòng vậy ư?

Ngày xưa, trước khi vượt Trường Sơn vào trận, mấy đứa chúng tôi rủ nhau dạo quanh bờ hồ để hít thật sâu vào lồng ngực ngọn gió tâm linh, ngọn gió văn vật làm hành trang quý giá cho các chặng đường đi gian khó sau này để đến khi còn sống trở về, lại đi quanh Hồ Gươm như một lời tri ân sâu thẳm, cảm tạ đất trời, cảm tạ hồn thiêng sông núi đã cho được nhìn lại ánh sáng tâm linh này nhưng lòng dạ lại tan hoang như không còn tìm được cái cũ. Hà Nội đã đổi khác, bụi bặm, xô bồ và con người, các cô gái Hà thành cũng đổi khác. Đâu rồi những tiếng thì thầm khe khẽ trong đêm? Đâu rồi tiếng thở dài ngọt lịm khi chia tay nhau dưới vòm hoa sữa? Đâu rồi nét vị tha, đắm chìm khi con người đối xử với nhau?

Đâu rồi...

Giọng nói con người, mắt nhìn con gái dù muốn hay không cũng phản ánh chiều sâu và vẻ đẹp tâm hồn, cao hơn là vẻ đẹp và chiều sâu vùng đất ấy. Đó chính là cái duyên thầm làm vời vợi thêm cái ý nghĩa tồn tại trong cuộc đời vừa ngọt ngào vừa gió bụi này. Như que kem mùa hạ, như hương cốm đầu mùa đang nhẹ bay vào ngõ nhỏ rất đỗi yên tịnh kia.

Mùa xuân đang về khe khẽ trên từng nhánh cây ngọn cỏ, ao ước làm sao cái từ trường văn hóa Tràng An lại nảy mầm đơm hoa trở lại, bắt đầu từ tình yêu tinh khiết của em, từ giọng nói, cái nhìn nồng nàn, thao thiết của em để đỡ nâng, để làm chỗ dựa tinh thần cho mọi cuộc đổi thay đang đợi chờ ở phía trước.

Và để một sớm mai này, trong gió xuân phơi phới, cái cốt cách Tràng An lại dịu nhẹ trở về trên mảnh đất này, trên dải đất non sông này.

Mùa xuân đang về khe khẽ trên từng nhánh cây ngọn cỏ, ao ước làm sao cái từ trường văn hóa Tràng An lại nảy mầm đơm hoa trở lại, bắt đầu từ tình yêu tinh khiết của em, từ giọng nói, cái nhìn nồng nàn, thao thiết của em để đỡ nâng, để làm chỗ dựa tinh thần cho mọi cuộc đổi thay đang đợi chờ ở phía trước.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - thì thầm và khe khẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.