Chính trị

Hà Nội: Kỷ nguyên kiến tạo mới

Hồ Quang Lợi 11/10/2024 06:05

70 năm trước, ngày 10-10-1954, Hà Nội hân hoan đón đoàn quân chiến thắng trở về. Một cột mốc lịch sử mở ra tương lai mới cho Thủ đô và cả nước. “Trùng trùng quân đi như sóng”, cờ sao, ánh mắt, nụ cười...

Cái gì đẹp nhất của Hà Nội vào ngày hôm đó? Đó không phải nhà cửa, không phải công trình. Đẹp nhất là nụ cười Hà Nội! Nụ cười ấy, trên gương mặt tất thảy bộ đội và nhân dân, thể hiện niềm vui sướng tột độ, niềm tin sâu sắc vào tương lai của Thủ đô, của đất nước và của dân tộc ta.

vulong.jpg
70 năm sau Ngày Giải phóng, Hà Nội đã khẳng định sức vóc để bước vào kỷ nguyên kiến tạo mới. Ảnh: Vũ Long

Những cung bậc đặc biệt

70 năm qua, Thủ đô yêu dấu của chúng ta đã trải qua những cung bậc đặc biệt. Mỗi khi đối diện với thử thách hiểm nghèo, Hà Nội lại lập nên những chiến công hiển hách. Những cung bậc ấy gợi cho chúng ta hào khí của nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Mông - Nguyên rồi trở về kinh đô Thăng Long; chiến thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt để vua tôi nhà Lý khải hoàn ở Thăng Long; rồi mùa xuân 1789, vua Quang Trung đại phá 20 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long; và đến tháng 10-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chúng ta lại trở về Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

70 năm qua là kỷ nguyên hào hùng và vinh quang của Thăng Long - Hà Nội. Mùa đông năm 1946, vừa giành độc lập được hơn một năm, vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, Hà Nội đã phải tiến hành cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc khi thực dân Pháp âm mưu cướp nước ta lần nữa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Hà Nội bừng lên tinh thần tiên phong với phong trào “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”. Tháng 12-1972, chúng ta làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, để Hà Nội được vinh danh “Thủ đô của phẩm giá con người”. Chưa có thủ đô nước nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt như Hà Nội, và trong lịch sử hiện đại chưa có thủ đô nước nào bị bom B52 "rải thảm" như Hà Nội, vậy mà chúng ta đã đứng vững, đã chiến thắng oanh liệt, để 3 năm sau Hà Nội lại cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất non sông. Rồi năm 1986, từ Hà Nội, phát súng lệnh “Đổi mới” của Đại hội Đảng VI đã thực sự cứu nguy đất nước sau những năm tháng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng... Trong bối cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đổ vỡ, công cuộc đổi mới và hội nhập của Việt Nam thực sự là một cuộc vượt cạn thời bình mà Hà Nội tiếp tục lĩnh ấn tiên phong.

Trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, ngày 1-8-2008 ghi dấu ấn đặc biệt: Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Hà Nội trở nên rất lớn về quy mô, đặc biệt quan trọng về mặt vị thế, vai trò, nhưng cũng rất phức tạp khi phải đối mặt hàng loạt vấn đề nóng nảy sinh trong quá trình phát triển. Những bề bộn thường nhật của Thủ đô mở rộng, những việc dồn đọng từ nhiều năm trước, những bức xúc mới phát sinh, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, giao thông, xây dựng, trật tự đô thị, môi trường..., tất cả đòi hỏi phải xử lý linh hoạt, vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt lại vừa phù hợp với tương lai lâu dài.

Xung lực đột phá trong kỷ nguyên kiến tạo mới

Thủ đô ta đang thực sự bước vào một kỷ nguyên kiến tạo mới. Đây là cuộc kiến tạo vĩ đại nhất trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5-5-2022 đã tạo sinh khí mới, động lực mới, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực cả nước và nguồn lực quốc tế để Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28-6-2024 đã tạo bước đột phá về thể chế, cơ chế, Hà Nội được phân cấp giao quyền mạnh hơn. Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tạo một không gian phát triển mới rất rộng mở và tươi sáng cho Thăng Long - Hà Nội.

Dáng hình Hà Nội rồi đây sẽ như thế nào? Hà Nội định hướng phát triển theo 5 trục không gian chính, gồm trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Hồ Tây - Cổ Loa, trục Nhật Tân - Nội Bài và trục nam Hà Nội, trong đó trục sông Hồng là trục trung tâm quan trọng nhất, thể hiện bước đột phá có tính chiến lược chưa từng có. Từ 1014 năm trước, quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La, thuyền vừa cập bến sông Hồng, đức vua Lý Thái Tổ nhìn thấy dáng Rồng lộng lẫy bay lên và đặt tên kinh đô là Thăng Long. Bây giờ trục sông Hồng được xác định là trục trung tâm, thật đúng với tầm vóc của Thăng Long - Hà Nội! Đó vừa là tiếng vọng của lịch sử vừa là tiếng gọi của tương lai!

Lịch sử phát triển các đô thị ở Việt Nam cũng như trên thế giới luôn gắn liền với các dòng sông. Sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và tầm vóc để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô. Sông Hồng có ý nghĩa sống còn với sự phát triển của Hà Nội như vậy, nhưng đến nay, thật đáng tiếc, thành phố vẫn quay lưng ra sông Mẹ. Đó là sự lãng phí cực lớn trong tiến trình xây dựng, phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Để hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng, Hà Nội dứt khoát phải quay mặt ra sông, biến hai bên bờ sông và bãi giữa thành không gian kiến trúc đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây không còn chỉ là phương hướng, định hướng mang tính chiến lược mà đã trở thành một mệnh lệnh nóng bỏng của cuộc kiến tạo lớn hôm nay ở Thủ đô. Nhịp thở sông Hồng chính là nhịp thở của Hà Nội. Tất cả bắt nguồn từ sông Mẹ và lại trở về với sông Mẹ. Điều đó có nghĩa là vừa trở lại cội nguồn vừa hướng tới tương lai.

Ý tưởng và phác thảo về thành phố sông Hồng đã được nói tới từ vài chục năm nay, nhưng về cơ bản nó chỉ mới nằm trên giấy do phải đối mặt với một loạt vấn đề lớn như giải phóng mặt bằng do liên quan đến đời sống hàng chục nghìn hộ dân, cần huy động vốn đầu tư khổng lồ và đặc biệt là xử lý không gian thoát lũ. Đầu tháng 9 vừa qua, siêu bão Yagi gây lũ lớn chưa từng thấy trong vòng nửa thế kỷ nay và nước sông Hồng dâng cao đến mức xấp xỉ báo động 3 cho thấy không thể coi nhẹ vấn đề thoát lũ. Theo các chuyên gia, việc xác định không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm với các giải pháp thoát lũ phải được tính toán cẩn trọng nhưng cũng cần đặt trên nền tảng của một đô thị đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, với hệ thống giao thông đa phương tiện, đa tầng hiện đại. Bãi giữa sông Hồng, bãi bồi ven sông là một quỹ đất quý giá có thể tạo dựng một không gian công cộng sinh thái và văn hóa có sức hấp dẫn đối với cộng đồng và du khách. Chính vì thế, quy hoạch phân khu sông Hồng phải là đột phá khẩu của Hà Nội trong tiến trình trở thành đô thị xanh, thông minh, đổi mới sáng tạo tầm vóc toàn cầu.

Với tốc lực đô thị hóa như hiện nay, với số dân sẽ sớm vượt 10 triệu người, Hà Nội đang mang tầm vóc một đại đô thị. Mô hình thành phố trong thành phố, đô thị trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh đã được xác định, trong đó Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng hai thành phố trực thuộc là Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và Thành phố phía Tây (Hòa Lạc - Xuân Mai). Dọc theo đại lộ Võ Nguyên Giáp dài 12km từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài sẽ xây dựng đô thị thông minh theo những tiêu chí của thời đại mới. Đây sẽ là một điểm nhấn ngời sáng của diện mạo Thủ đô trong kỷ nguyên kiến tạo mới.

hnm.1cdn.vn-2024-08-16-_thi-cong-vanh-dai-4-qua-hoai-duc-ta-hai.jpg
Các nhà thầu thi công đường Vành đai 4 đoạn qua địa phận huyện Hoài Đức. Ảnh: Tạ Hải.

Đã rõ một thực tế là các đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5 dù đang phát huy hiệu quả nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thành phố 10 triệu dân. Hà Nội và các địa phương đang tập trung cao độ giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô dài 112km đi qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nếu Hà Nội kết nối được tất cả các đường vành đai và các trục đường hướng tâm thì chúng ta có một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng hoàn chỉnh. Một trong những đột phá kết cấu hạ tầng giao thông là Hà Nội phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài lên tới hơn 600km. Về hàng không, ngoài sân bay Nội Bài sẽ nâng cấp đạt 60 triệu hành khách năm 2030, 100 triệu hành khách năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng sân bay thứ hai ở Phú Xuyên, Ứng Hòa, đón 30 - 50 triệu hành khách mỗi năm. Cách đây hơn 100 năm, Hà Nội có duy nhất cây cầu Long Biên qua sông Hồng, bây giờ chúng ta có 8 cây cầu. Trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu với kiến trúc đa dạng, hiện đại nối đôi bờ sông Hồng. Như thế, trục trung tâm cảnh quan sông Hồng hiện ra ngày càng rõ.

Trong tâm thức không chỉ của người Hà thành mà còn của các nhà nghiên cứu quốc tế, Hà Nội là thành phố cây - hồ. Bảo vệ môi trường sống ở vùng đất “rồng cuộn hổ ngồi” này bắt đầu từ đâu? Cây xanh, công viên, vườn hoa, sông hồ... phải được gây dựng, phải được gìn giữ, phát huy. Đó là thân thể, là da thịt, là hồn cốt của Thăng Long - Hà Nội. Không có cây, không có hồ thì không ra Hà Nội. Ở Hà Nội, cây xanh không chỉ là môi trường mà còn là văn hóa. Những hàng cây quý giá, khá phong phú về chủng loại nhưng còn ít ỏi về số lượng nên chưa đủ sức che mát một đô thị lớn đang cuồn cuộn, hầm hập, ngột ngạt trong cơn lốc dựng xây. Thật xót xa, tiếc nuối khi có tới hàng vạn cây xanh ở Hà Nội bị siêu bão Yagi quật đổ ngày 7-9-2024 vừa qua. Đó là một cú giáng mạnh vào "lá phổi" của Hà Nội. Trong cơn lốc đô thị hóa những năm qua, nhiều ao, hồ bị san lấp, thu hẹp không thương tiếc; nhiều dòng sông vốn là nguồn cảm hứng của thơ ca nhạc họa, nay trở thành “dòng sông chết”. Trong công cuộc kiến tạo mới theo tiêu chí Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Hà Nội nhất thiết phải bảo vệ và phát triển tài nguyên cây xanh, có biện pháp quyết liệt để cứu các dòng sông chết, các ao hồ bị ô nhiễm. Nếu không chặn đứng, trừng phạt nghiêm khắc nạn lấp hồ, xả nước thải chưa xử lý ra sông hồ; nếu vẫn để các bãi rác chất cao như núi gây ô nhiễm nặng không khí và nguồn nước thì mục tiêu Hà Nội Xanh vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.

“Lõi vàng” văn hiến Việt Nam

Trong các nguồn lực để Thăng Long - Hà Nội vươn tới tầm cao mới, văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt. Là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội là “lõi vàng” văn hiến Việt Nam. Là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế, Hà Nội nhất thiết và mãi mãi là Thủ đô Văn hóa. Thủ đô Văn hóa - đó mới đích thực là Hà Nội, mới đích thực là nơi mọi con dân đất Việt từ khắp các phương trời tha thiết hướng về.

Khi nhấn mạnh văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, toàn bộ hệ thống của chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, trong mỗi quyết sách về kinh tế, chính trị thì văn hóa cần hiện diện để soi rọi, cảnh báo và điều chỉnh. Cần chấm dứt tình trạng xem nhẹ, thậm chí hạ thấp văn hóa, coi văn hóa chỉ là “chuyện cờ đèn kèn trống”. Những lệch lạc đó đã dẫn tới những hệ lụy và hậu quả rất nghiêm trọng. Văn hóa thiếu vắng hoặc mờ nhạt cả trong quá trình lập và điều hành chính sách, thứ tự ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội. Đã không thiếu những dự án bất động sản “nuốt chửng” những nhu cầu văn hóa thiết yếu; nhiều nơi thiếu hụt quỹ đất cho nhà trẻ, trường mẫu giáo, công trình văn hóa...

Rõ ràng, khi văn hóa bị xem nhẹ thì các yếu tố thị trường sẽ lấn lướt, món lợi vật chất sẽ hất tung giá trị tinh thần, thậm chí các yếu tố phi văn hóa, phản nhân văn có thể xâm nhập vào môi trường chính trị, kinh tế, gây nên những hậu quả khôn lường. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự nghèo nàn về tinh thần, lệch chuẩn văn hóa, làm xói mòn, lung lay nền tảng đạo đức xã hội. Trong khi đó, nếu chúng ta thấm nhuần vai trò và giá trị của văn hóa thì mọi hoạt động văn hóa, nếu được tổ chức tốt, chắc chắn sẽ còn đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ. Trong giá trị kinh tế do văn hóa mang lại sẽ có cả giá trị tinh thần.

Bất cứ một quốc gia nào, nhất là quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, đều phải đối mặt với bài toán bảo tồn - phát triển. Bảo tồn di sản không chỉ để giáo dục truyền thống, cân bằng tâm thức xã hội mà còn tạo nguồn lực phát triển. Phải hết sức tránh cực đoan, chỉ nhìn thấy sự phát triển mà quên đi việc bảo tồn, hoặc ngược lại, chỉ chăm chăm nhìn thấy việc bảo tồn, khư khư giữ nó như thế trong khi xã hội đang phát triển, thành phố đang mở mang, hiện đại hóa...

Khi nói đến bảo tồn và phát triển, không ít người thường đối lập giữa kinh tế và văn hóa. Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, nếu nhận thức đúng, đặt trong mối quan hệ tổng hòa thì không những không mâu thuẫn, không loại trừ nhau, mà còn hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Trải qua hàng nghìn năm, với biết bao biến động qua các triều đại và thời kỳ lịch sử, Hà Nội hôm nay ôm trong mình biết bao di tích - di tích chồng lên di tích. Vì thế, khi xây dựng các công trình, khó tránh khỏi sự động chạm vào di tích trên mặt đất hay dưới lòng đất. Điều quan trọng nhất là phải có quan điểm đúng và cách ứng xử đúng với di tích. Đó là thái độ đối với cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Không vì bảo tồn mà cản trở phát triển, không vì phát triển mà xâm hại bảo tồn. Càng phát triển thì càng có điều kiện bảo tồn tốt hơn.

Xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người. Tận cùng của văn hóa là con người. Sự phát triển và hoàn thiện của con người cần và chỉ có thể thực hiện trong văn hóa và bằng văn hóa. Văn hóa ứng xử là gương mặt của văn hóa. Văn hóa ứng xử vẫn còn là vấn đề chưa thể làm chúng ta yên lòng. Một đô thị, dù có hoa lệ đến mấy, chỉ thực sự đáng sống khi con người biết và muốn sống tử tế. Tính nhân văn, lòng nhân ái phải là ngọn lửa sưởi ấm, là ánh sáng trong cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội.

Hà Nội là nơi kết tinh những giá trị tinh hoa của dân tộc. Người người bốn phương hội tụ về đây, mang theo rất nhiều cái tốt nhưng không phải mọi điều đều tốt. Làm sao để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ, cốt cách, khí phách, lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục duy trì, biến thành hành động thường nhật, nếp sống nêu gương cho cả nước. Điều này đòi hỏi mỗi người dân Hà Nội phải luôn ý thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm khi được làm “công dân Thủ đô”. Mỗi công dân Hà Nội, những ai nhập cư về Hà Nội, cần thấm sâu niềm tự hào và trách nhiệm căn bản của danh xưng “người Hà Nội” thanh lịch, văn minh. Người Hà Nội không chỉ được “định danh” bằng hộ khẩu, căn cước công dân, mà còn cần “căn cước văn hóa” trong mỗi con người.

“Tinh thần Việt Nam, tinh hoa thế giới”

Là một nền văn hóa mở, biết chấp nhận và tôn trọng các giá trị khác biệt, trong quá trình giao lưu và tiếp biến, văn hóa Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng vừa quyết giữ các giá trị truyền thống cốt lõi của mình, vừa chọn lọc được tinh hoa, kinh nghiệm của các nước để làm giàu cho nền văn hóa của mình, trong đó có cách thức phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta đi tới tương lai theo phương châm “tinh thần Việt Nam, tinh hoa thế giới”.

Hà Nội có lợi thế hiếm địa phương nào sánh được để phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa ở Thủ đô cần phát huy được các giá trị của hệ thống di sản vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài. Là kinh đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội lại được UNESCO công nhận là Thành phố Sáng tạo. Đây là tiền đề rất thuận lợi để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa. Trong 4 yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp văn hóa (tài nguyên di sản, chính sách, công nghệ và khả năng sáng tạo) thì Hà Nội có hai yếu tố căn cốt nhất là tài nguyên di sản và khả năng sáng tạo. Tham gia vào công nghiệp văn hóa là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ văn hóa và các tầng lớp nhân dân. Nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng, mở ra môi trường sáng tạo và kinh doanh thuận lợi, phát huy tối đa sự tham gia của thành phần tư nhân, nhất là lực lượng sáng tạo trẻ. Theo tinh thần đó, mấy năm qua, Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện mang bản sắc văn hóa Thủ đô, trong đó Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023 với các hoạt động phong phú và đầy sáng tạo ở Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm... đã gây tiếng vang tốt, tạo cảm hứng tươi mới, sức sống mới cho các di sản lâu nay “ngủ im”...

Cho dù đã và đang phải chịu sự va đập rất bạo liệt của làn sóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, của thời đại số, nhưng Hà Nội vẫn đang nỗ lực giữ cho bằng được hồn cốt của vùng đất “kinh sư muôn đời” linh thiêng và hào hoa. Cái mà chúng ta cần gìn giữ là toàn bộ hệ thống giá trị quý báu, toàn bộ không gian sống, không gian tinh thần dân tộc. Mong ước Hà Nội phát triển hài hòa trong bình yên, đi lên với một tốc lực mạnh do yêu cầu thời đại nhưng vẫn giữ được những gì hồn cốt nhất, nhân văn nhất. Làm sao cho con người sống trong một thành phố hiện đại nhưng vẫn cảm thấy mình có chỗ đứng, vẫn có quyền được lãng mạn, mộng mơ.

Cái gì đang cản trở Thủ đô và đất nước của chúng ta phát triển? Chúng ta có một đất nước tươi đẹp, tài nguyên phong phú. Chúng ta cạnh tranh bằng cái gì? Chính nguồn lực con người quyết định. Hà Nội phải góp phần xây dựng được thể chế để giải phóng sức lao động, sức sáng tạo sung mãn của con người Việt Nam.

Trong không gian của Thăng Long thời đại mới, đứng trên cầu Long Biên ngắm nhìn sông Hồng thao thiết chảy ra biển Đông, ta như cảm thấy hơi thở của nước, tiếng rì rầm từ lòng đất và ngọn gió sông Hồng thổi tới từ ngàn xưa. Bao nhiêu máu, mồ hôi đã đổ xuống đất này trong sự gắn kết muôn đời giữa các thế hệ. Ta như cảm thấy hình bóng thiêng liêng của lịch sử, sự thôi thúc của hiện tại và bóng dáng đường bệ của tương lai. Thăng Long - Hà Nội đang vươn mình trong ánh sáng của thời đại mới với những tiềm năng và sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn. Một kỷ nguyên kiến tạo mới đang mở ra. Trong cuộc kiến tạo vĩ đại đó, văn hóa mãi mãi là nền tảng, là nguồn năng lượng vô song, là cảm hứng bất tận để chúng ta hiện thực hóa khát vọng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Kỷ nguyên kiến tạo mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.