Đối ngoại

Định vị “thương hiệu Hà Nội” trên trường quốc tế

Hoàng Linh 12/10/2024 - 06:02

Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới, Thủ đô Hà Nội nhiều thập kỷ qua đã không ngừng nỗ lực chủ động hội nhập, phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong đó, công tác đối ngoại góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao vị thế thành phố và đất nước.

hdnd.jpg
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn đầu thăm làm việc tại Thủ đô Buenos Aires (Argentina). Ảnh: Đỗ Trường

Khẳng định vị thế Thủ đô

Thăng Long - Hà Nội luôn giữ vị thế quan trọng trong hoạt động ngoại giao của đất nước. Từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại chung của đất nước, Thủ đô Hà Nội không ngừng theo đuổi mục tiêu duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột: Ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Là trái tim của cả nước, nơi hội tụ những giá trị văn hóa của đất nước và nhân loại, Hà Nội đã tích cực quảng bá hình ảnh con người và truyền thống của thành phố nghìn năm văn hiến đến người dân các nước trên thế giới, đồng thời tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Với phương châm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các thủ đô, thành phố của các nước, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với 110 thủ đô, thành phố, địa phương trên thế giới và ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước. Thời điểm hiện tại, Hà Nội có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình đã góp phần làm nên thành công của nhiều hội nghị, diễn đàn đa phương.

Sau 2 thập niên đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội đã ghi danh vào “Mạng lưới thành phố sáng tạo” của UNESCO (năm 2019). Đây là điểm tựa để Thủ đô ngàn năm văn hiến định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành thành phố sáng tạo - điểm đến của tri thức nhân loại. Đây cũng là động lực để Hà Nội xây dựng chiến lược, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội với tinh thần Thăng Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trong dòng chảy của thời đại, các quận, huyện, cơ sở cũng tích cực triển khai nhiều nội dung hợp tác với những thỏa thuận đã được ký kết. Tiêu biểu như năm 2024, quận Hoàn Kiếm triển khai hợp tác với Vùng Ile-dve-France (Pháp) hoàn thành dự án cải tạo, sửa chữa biệt thự cổ Trần Hưng Đạo - Hàng Bài, xây dựng nội dung trưng bày giới thiệu nét giao thoa văn hóa Việt - Pháp. UBND thị xã Sơn Tây tổ chức diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về giáo dục, văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xúc tiến đầu tư, quản lý đô thị với Chính quyền tự quản Obuda-Bekasmegyer (Thủ đô Budapest, Hungary)...

Về thành tựu đối ngoại của Thủ đô Hà Nội trong những năm qua, Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, ngài Saadi Salama nhận định, công tác đối ngoại của Hà Nội đạt nhiều thành tựu quan trọng khi gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời nâng cao vị thế Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.

“Tôi mong rằng Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu trong công tác đối ngoại để tiếp tục tạo lực đẩy, tiền đề vững chắc giúp Thủ đô tiếp tục hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả, phát huy vai trò và vị thế là trái tim, trung tâm chính trị và hành chính của Việt Nam” - Trưởng Đoàn Ngoại giao Palestine tại Việt Nam bày tỏ.

Trên tinh thần hội nhập tích cực, độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hà Nội đã tạo ra diện mạo riêng và tầm vóc mới trong bản đồ địa chính trị quốc tế, mở ra những cơ hội quý báu để tiếp tục đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ".

Định vị "thương hiệu Hà Nội"

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Khi hội nhập và hợp tác đa phương trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, Hà Nội đã có những bước đi mang tính đột phá, hòa mình vào dòng chảy thời đại. Thủ đô nghìn năm văn hiến đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 trở thành thành phố kết nối toàn cầu, là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

Trong quan hệ với các thủ đô, các thành phố trong khu vực và thế giới, Hà Nội vận dụng khéo léo tính "đặc thù" với những điều kiện cụ thể về văn hóa, phong tục tập quán, tiềm năng kinh tế để đẩy mạnh hội nhập và phát triển. Trước cánh cửa hội nhập quốc tế nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít thách thức, Hà Nội đã xác định mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực, qua đó, nâng cao hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh mới.

Năm 2024, tình hình thế giới và khu vực có sự biến động nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn tác động đa chiều tới tình hình trong nước cũng như việc triển khai công tác đối ngoại. Do vậy, Hà Nội sẽ phải nỗ lực nhiều hơn với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Theo Sở Ngoại vụ thành phố Hà Nội, phương châm của đối ngoại Thủ đô là bám sát và triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, thực hiện thành công các mục tiêu đối ngoại trong từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đề ra. Qua đó tạo động lực mới cho công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Thời gian tới, với tinh thần chủ động, tích cực, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong tổ chức các hoạt động đối ngoại, đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ đối ngoại cho các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, nhằm mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế.

Mặt khác, Thành phố thúc đẩy công tác đối ngoại hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng cường kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước qua việc cung cấp thông tin, kết nối thị trường, tư vấn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Và, để tiếp nối thành công đã đạt được trong lĩnh vực đối ngoại, Hà Nội sẽ làm phong phú “nguồn vốn” con người thông qua giáo dục - đào tạo, với mục tiêu chính là có được đội ngũ làm công tác đối ngoại giàu trí tuệ, bản lĩnh, có trình độ và kiến thức tiên tiến...

Trải qua chặng đường dài với nhiều thành tựu đối ngoại nổi bật, Hà Nội đã phát huy được vai trò và vị thế là trái tim của cả nước, tiếp tục hướng đến những mục tiêu lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định vị “thương hiệu Hà Nội” trên trường quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.