Các lò luyện thi cấp tốc của Hà Nội hiện nay đang mở hết công suất, thực hiện đủ chiêu để “câu” sĩ tử nhưng xem ra không mấy hiệu quả, bởi các sĩ tử hiện nay đã “tỉnh táo” hơn nhiều.
Ra tận bến xe “kéo” sĩ tử
Hiện nay các lò luyện thi trên địa bàn Hà Nội đang ra sức quảng cáo thương hiệu của mình đến với các thí sinh, các chiêu câu khách được đăng tải rất đa dạng, Chỉ cần bỏ công thuê từ 80 đến 100 nghìn đồng/ngày, các lò luyện thi đã có thể thuê được một đội ngũ phát tờ rơi tại các điểm trường tổ chức thi tốt nghiệp THPT, hay dán quảng cáo tại các điểm xe buýt, bến xe lớn trên địa bàn thành phố như Giáp Bát, Mỹ Đình…
Các lò luyện thi cấp tốc với các tên gọi rất kêu và bắt khách như: “Lò luyện thi cấp tốc chất lượng cao, địa chỉ đáng tin cậy nhất Hà Nội cho các sĩ tử” hay “trung tâm luyện thi đại học uy tín...”. Không chỉ vậy, trên các trang web rao vặt đầy các thông tin quảng cáo lò luyện với đội ngũ thầy cô giỏi, trung tâm có uy tín chất lượng hàng đầu…
Theo thông tin tại một lời rao vặt lò luyện thi cấp tốc uy tín tại Hà Nội trên mạng Internet, Nguyễn Thu Hương quê ở Vĩnh Phúc “tay xách nách mang” ba lô, hành lý xuống Hà Nội tìm nơi ôn luyện. Đến đúng địa điểm như lời rao vặt đã đăng trên đường Cầu Giấy cạnh khu tập thể ĐH Sư phạm Hà Nội Hương mới “ ngã ngửa” vì lò luyện thi này 2 năm trước, chị gái Hương đã từng ôn luyện ở đây và kết quả thì “chán hơn mong đợi”.
Còn Bùi Thị Nhung ôn thi khối A, quê ở Thái Bình thì thấy khó chịu khi xuống bến xe đã bị “cò mồi” bám đuổi: “Em và mẹ vừa xuống bến xe Giáp bát đã có một người đàn ông đến hỏi có muốn tìm lò luyện thi đại học, giá rẻ chất lượng cao không, người đó còn giới thiệu các thầy cô ở trung tâm đó đều là những giảng viên giỏi của ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm ngoái có lớp ôn khối A, 30 người mà 28 người đỗ đại học… Mặc dù, đã tìm đủ lý do từ chối nhưng người đó cứ bám theo hai mẹ con em, đến tận khi anh trai em ra đón mới chịu thôi”.
Đủ cách chiều lòng “thượng đễ” mà vẫn ế
Dạo quanh một vòng các lò luyện thi lớn trên địa bàn đường Cầu Giấy gần Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đường Nguyễn Trãi gần đường ĐH KHXH & NV, không khí tại các lò luyện thi ở đây khá “u ám”. Mặc dù các chiêu câu khách được các lò luyện thi mở ra hết công suất, nhưng số lượng khách đến ôn ở lò không khá khẩm lắm.
Tâm sự với chúng tôi về tình trạng này, một chủ lò luyện thi ở khu tập thể H1, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Bây giờ lượng thí sinh đến lò luyện thi ít hơn nhứng năm trước nhiều, mỗi lớp học ngày trước cứ chật cứng người, nhưng bây giờ chỉ có khoảng 40- 50 em một lớp/ca, ngày nào may cũng chạy được 2 ca như thế. Mà học sinh đến ôn chủ yếu ở các tỉnh thành lân cận ven Hà Nội như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên còn học sinh Hà Nội ít lắm, bởi bây giờ nhiều nhà trường cũng mở lớp ôn thi đại học ngay tại trường, gia đình nào có điều kiện thì cho con đi học ở các thầy cô giáo riêng hoặc thuê gia sư về nhà dạy, nên lò luyện thi bây giờ “ế ẩm”lắm”.
Khi được hỏi về giá cả ôn thi cho ba môn luyện thi, một số chủ lò ngán ngẩm nói: “Bây giờ giá cả cái gì cũng tăng mà giá tiền học thì chỉ tăng được chút đỉnh, tăng cáo quá thí sinh không đến học nữa thì cũng chết. Mỗi ca bây giờ chỉ có gía 50.000 đồng/ca( 1,5 tiếng/ca). Đấy là chưa kể thời tiết nóng nực như thế này thì phải phục vụ cả điều hoà hoặc quạt mát cho thầy cô và học sinh có khi còn phải phục vụ thêm nước uống và máy chiếu….”.
Hiện nay, nhiều sĩ tử ở các địa phương lựa chọn ôn thi “sân nhà” hơn lên Hà Nội vừa nóng nực lại tốn nhiều tiền. Bùi Thanh Nhàn - học sinh trường THPT Bắc Đông Quan, Thái Bình tâm sự: “Em cảm thấy rất yên tâm khi luyện thi đại học ngay tại trường. Bởi các thầy cô dạy em đều là những giáo viên giỏi và em cũng đã quen với phong cách dạy của các thầy. Nên “lò luyện thi trên thành phố” không còn là sự lựa chọn của em.
Nguyễn Thành Lập - học sinh trường THPT Cầu Giấy cũng có cách ôn thi giống với Nhàn, em chọn cho mình phương pháp ôn luyện ở trường, ngoài ra buổi tối em theo học ở nhà thầy cô giáo dậy riêng. “Với em ôn luyện thế là nắm chắc được kiến thức rồi. Đi học ở lò mệt lắm, mỗi thầy dạy một kiểu em không quen”.
Chỉ cần học trong sách giáo khoa là đủ
Chia sẻ với các thí sinh chuẩn bị dự thi ĐH,CĐ, PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết: “Các lò luyện thi cấp tốc hiện nay là hoạt động kinh doanh nên đã kinh doanh là phải có lãi nên họ đưa đủ cách để thu hút thí sinh vào học. Các em học sinh cần hết sức lưu ý. Kinh nghiệm cho thấy nhiều năm trở lại đây, đề thi đại học không quá khó với thí sinh. Đề thi chỉ cần học sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là đủ. Kiến thức học này phải được đầu tư thời gian dài trong những năm học phổ thông chứ không thể 1 tháng luyện thi cấp tốc mà thay đổi được. Do vậy, thời điểm này các em học sinh nên ở nhà tập trung ôn lại kiến thức đã học và giữ gìn sức khỏe”.
Nhiều tấm gương thi đại học năm vừa qua cho thấy, nhiều thủ khoa, á khoa đại học và nhiều thí sinh đạt điểm cao đều ở các vùng nông thôn, ngoại thành, nhà nghèo không có điều kiện lên Hà Nội dự thi. Cụ thể như năm 2010, thủ khoa tuyệt đối 30/30 điểm Tăng Văn Bình (quê Nghệ An), thủ khoa ĐH Y Hà Nội Lê Thị Minh Vượng (quê Ứng Hòa, Hà Nội)…
Về kinh nghiệm ôn thi, thủ khoa Tăng Văn Bình chia sẻ: “Em chủ yếu tự học, tự tìm tòi và cố gắng nắm chắc kiến thức, hiểu bản chất của vấn đề. Thời gian học của em cũng nhẹ nhàng thôi. Buổi tối em học tới 9 giờ. Sáng thức dậy lúc 6 giờ học một chút. Em không để đầu óc rơi vào tình trạng căng thẳng bởi những công thức, bài giảng mà luôn dành thời gian để thư giãn như nghe nhạc, xem phim, chơi cầu lông…”.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Cách ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ bao giờ cũng yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp. Bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn). Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Tuy nhiên, đề thi sẽ phân loại được trình độ học lực của thí sinh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.