(HNMO) - Theo Quyết định số 1793/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, thành lập Ban tổ chức Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân thành phố Hà Nội năm 2023 gồm 22 đồng chí là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị. Trong đó, Trưởng ban tổ chức là Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương.
Nhiệm vụ của Ban tổ chức là chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023. Cùng với đó là chuẩn bị nội dung và điều kiện tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2023.
Việc tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân nhằm tạo đợt cao điểm trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động về ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, sự kiện nhằm tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống Công đoàn và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của giai cấp công nhân Thủ đô trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó củng cố niềm tin, niềm tự hào giai cấp và tăng cường mối quan hệ gắn kết đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động với tổ chức Công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh.
Thông qua các hoạt động trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân thành phố Hà Nội năm 2023, làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với giai cấp công nhân.
Hiện, Hà Nội có trên 2,5 triệu công nhân. Đội ngũ công nhân lao động Thủ đô đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, ngày đêm hăng hái thi đua lao động, sản xuất ở mọi lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và nộp ngân sách Nhà nước. Nhưng đời sống của một bộ phận công nhân còn gặp không ít khó khăn, thu nhập thấp, việc làm thiếu hoặc chưa ổn định; các điều kiện về nhà ở; môi trường làm việc; khu vui chơi, giải trí; nhà gửi trẻ; trường học; điều kiện lao động; bảo hộ, an toàn lao động... còn nhiều khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.