Lao động - Việc làm

Nhiều giải pháp “giữ chân” lao động sau nghỉ Tết

Bảo Hân 05/02/2025 - 18:09

Chiều 5-2, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi thông tin về các giải pháp “giữ chân” lao động tại doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

anh-2-a-thanh.jpg
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội động viên người lao động tại các khu công nghiệp trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: PV

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, sau Tết, một bộ phận người lao động nghỉ phép, chuyển việc, thay đổi chỗ ở dẫn đến thiếu hụt lao động cục bộ tại một số nhà máy, địa phương.

Ngay từ trước Tết, Bộ đã hướng dẫn các địa phương nắm tình hình thị trường lao động, thông tin về thị trường lao động, kết nối, điều hòa thị trường lao động trước, trong và sau Tết.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách về tiền lương, thưởng. Đôn đốc các doanh nghiệp tổ chức xe đưa, đón lao động về quê ăn Tết và trở lại làm việc… Công đoàn các cấp cũng tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón công nhân góp phần ổn định thị trường.

“Đến thời điểm này, các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, như Hà Nội, Bắc Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… ghi nhận tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao, có địa phương đạt 97- 98%, có nơi 100%. Nhiều địa phương sau Tết triển khai ngay các phiên giao dịch việc làm cả trực truyến và trực tiếp. Đó là những giải pháp cơ bản, đồng bộ để góp phần giữ vững thị trường lao động, không để xảy ra thiếu lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm sau Tết”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

Về chính sách tiền lương, thưởng, bình quân tiền lương năm 2024 đạt gần 9 triệu đồng/người/tháng, tăng so với năm 2023. Mức thưởng Tết bình quân là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Về công tác an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Bộ đã triển khai chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà Tết đối tượng chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động.

Các đoàn công tác của Bộ trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an sinh xã hội và thăm hỏi, động viên công chức, viên chức và người lao động ứng trực, làm việc trong Tết Nguyên đán Ất Tỵ và tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn…

Chủ tịch nước đã tặng quà hơn 1,66 triệu người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, với tổng kinh phí hơn 506 tỷ đồng. Tổng các nguồn ngân sách trung ương, địa phương và kinh phí vận động xã hội hỗ trợ, tặng quà Tết người có công với cách mạng và thân nhân người có công khoảng 2.804 tỷ đồng (tăng 59 tỷ đồng so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024).

Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định hỗ trợ tổng số hơn 6.876 tấn gạo cho 104.315 hộ, với 458.401 nhân khẩu tại 10 tỉnh…

Các địa phương đã hỗ trợ, tặng quà Tết hơn 13,5 triệu lượt, với tổng kinh phí trên 7.943 tỷ đồng (tăng 181 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024), trong đó kinh phí vận động xã hội hóa trên 2.779 tỷ đồng.

Các địa phương đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", với khoảng trên 22 nghìn nhà đã khánh thành và gần 20,5 nghìn nhà khởi công (trong đó có 6.962 căn nhà dành cho người có công với cách mạng)… Nhiều hộ dân đã được đón Tết trong nhà mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp “giữ chân” lao động sau nghỉ Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.