(HNMO) - Logistics là ngành dịch vụ hiện đại, phục vụ hoạt động vận tải, giao nhận và phân phối hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Những rào cản...
Tại hội thảo Giải pháp đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logistics do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, các báo cáo cho thấy, dù giữ vai trò hạt nhân trung tâm, "đầu tàu" của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước nhưng Hà Nội lại chưa hình thành trung tâm logistics. Ngoài các kho bãi thường, trên địa bàn Hà Nội đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 2 cảng thông quan nội địa là Mỹ Đình và Gia Lâm, tuy nhiên phạm vi khai thác còn hạn chế, chủ yếu chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, cho thuê bãi và một số dịch vụ liên quan. Hệ thống giao thông phục vụ các cảng này mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối với đường sắt, đường thủy. Ông Nguyễn Tương, cố vấn cao cấp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, theo thống kê của VLA, Hà Nội hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và hoàn toàn đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước. Song, những rào cản về cơ sở hạ tầng chưa tương ứng, hệ thống pháp luật về chuỗi dịch vụ chuyên chở, lưu trữ và cung ứng hàng hóa còn chồng chéo, thiếu tính ổn định, nguồn nhân lực không chuyên nghiệp… đang là lỗ hổng lớn làm chậm sự phát triển của ngành dịch vụ này ở Hà Nội.
Giám đốc Công ty Delta International, ông Trần Đức Nghĩa khẳng định, với vận tải liên tỉnh đến Hà Nội chiếm 55% tổng lưu lượng hàng hóa lưu chuyển, Hà Nội chính là trung tâm logistics của cả nước. Ví như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, lượng hàng hai chiều trên cùng một tuyến vận tải khá cân bằng, cụ thể, Hà Nội - Hải Phòng là 19% và ở chiều ngược lại Hải Phòng - Hà Nội là 21%. Như vậy, nếu có một trung tâm logistics ở cả hai đầu Hà Nội - Hải Phòng sẽ loại bỏ một cách căn bản xe "chạy rỗng" trên đường, giúp giảm chi phí không chỉ của doanh nghiệp, mà còn của toàn xã hội. "Chúng ta đang làm logistics 4.0 với hạ tầng logistics truyền thống. Tôi đi khá nhiều nước trên thế giới, hiện chỉ thấy Hà Nội và Bangkok (Thái Lan) cấm xe vận tải vào Thủ đô, do không có hạ tầng giao thông đủ để đáp ứng cho nhu cầu logistics nên đã đẩy logistics vào tình thế khó khăn", ông Nghĩa cho biết. Ngoài ra, khả năng tiếp cận đất đai của logistics còn khó, nếu không giải quyết được thì không doanh nghiệp nào dám đầu tư.
Tìm giải pháp hỗ trợ phát triển
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, Hà Nội có tiềm năng để phát triển logistics nhờ có thị trường và cộng đồng doanh nghiệp lớn, các cụm, khu công nghiệp tập trung sản lượng hàng hóa hàng đầu cả nước. Ngày 13-2-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án quản lý và phát triển logistics trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP Hà Nội đạt 9-11%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 17-21%. Đến năm 2025, đưa vào hoạt động khai thác một số hạ tầng dịch vụ logistics, gồm 2 trung tâm logistics, 2 cảng cạn, 1 cảng container quốc tế, 5 trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các ngành liên quan để thực hiện hài hòa các nguồn vốn; đặc biệt chú trọng huy động nguồn xã hội hóa trong việc đầu tư các công trình cảng, kho bãi, trang thiết bị...
Đề xuất các giải pháp đưa Hà Nội trở thành trung tâm dịch vụ logistics cũng như đạt được các mục tiêu thành phố đã đề ra, đại diện các doanh nghiệp logistics có chung ý kiến: Hiện Hà Nội có các trung tâm phân phối với hàng trăm chợ, trung tâm siêu thị…, do đó việc thành lập trung tâm logistics quốc gia là cần thiết, góp phần giảm chi phí. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hateco Logistics Nguyễn Văn Đức đề nghị, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, UBND thành phố cần quan tâm đến 3 nhóm giải pháp: Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế chính sách.
Còn cố vấn cao cấp Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Tương kiến nghị: Hà Nội cần có chính sách cụ thể hóa luật pháp và quyết định của Chính phủ về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng và các trung tâm dịch vụ logistics thông qua việc dành quỹ đất, ưu đãi về thuế thu nhập và thuế thiết bị... cho doanh nghiệp đầu tư dịch vụ logistics. Nhằm giải quyết ách tắc giao thông, Hà Nội nên xây dựng các trung tâm tập kết hàng khu vực ngoại thành, sau đó dùng xe tải nhỏ đưa hàng vào nội thành.
"Vị trí của Hà Nội trong bản đồ logistics của cả nước là rất quan trọng, nhưng hiện Hà Nội mới chỉ có một trung tâm logistics hạng 1 và một trung tâm logistics hạng 2 là chưa đủ. Về số lượng phải nhiều hơn, quy mô lớn hơn và trình độ công nghệ phải hiện đại hơn… Làm thế nào để Hà Nội phát huy vai trò "đầu tàu" trong liên kết vùng, xứng đáng là trung tâm kinh tế của đất nước, đây là bài toán đặt ra cho Hà Nội và các cơ quan liên quan" - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.