(HNMO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong buổi giao ban đánh giá diễn biến của bệnh sởi, đồng thời đề ra các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn hiệu quả...
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch sởi trong cộng đồng tính từ ngày 1-1-2014 đến ngày 17-4-2014, trên địa bàn thành phố đã phát hiện 2.613 trường hợp sốt phát ban (SPB) nghi sởi phân bố tại 464/584 xã phường của 30/30 quận, huyện, thị xã; 1.661 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm; 1.177 ca có kết quả dương tính với sởi trên tổng số 1.510 trường hợp có kết quả xét nghiệm. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 60,6%), trẻ em dưới 9 tháng tuổi (chưa đến lịch tiêm chủng) chiếm 20,4%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ em dưới 1,5 tháng tuổi, lớn nhất là 42 tuổi. Theo thống kê, có 88,5% số trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến lịch tiêm chủng), nhiều trường hợp trẻ tiêm chủng chưa đầy đủ lý do chủ yếu là do trẻ bị ốm hoặc gia đình e ngại không đưa trẻ đi tiêm chủng.
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 14 trường hợp tử vong do sởi phân bố ở 11 quận, huyện: Tây Hồ, Từ Liêm, Thường Tín, Ba Đình, Chương Mỹ, Gia Lâm, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Mê Linh, Thanh Trì. Các trường hợp tử vong hầu hết trước đó chưa tiêm vắc xin sởi, thường xuyên mắc các bệnh khác như viêm phế quản, viêm phổi phải điều trị tại bệnh viện, tử vong do đồng nhiễm nhiều loại vi rút khác nhau.
Số bệnh nhân khám trong ngày hôm nay (18-4) là 104 ca (951 ca lũy tích), vào viện là 66 ca, ra viện 43 ca. Hiện có 459 bệnh nhân sởi điều trị nội trú tại các bệnh viện Hà Nội, trong đó có 2 trường hợp thở máy, 5 trường hợp thở CPAP (tại bệnh viện Xanh Pôn). Theo nhận định chung của đại diện các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội, trong mấy ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện và tỷ lệ bệnh nhân nặng đã có dấu hiệu chững lại.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban chiều 18-4 |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, tuy chưa đến mức độ công bố dịch, nhưng phải tập trung quyết liệt, với mức độ cao nhất để phòng, chống bệnh sởi nhằm ngăn chặn không để lây lan, phát sinh thêm các trường hợp mắc bệnh mới; giảm thiểu tối đa trường hợp tử vong. Lưu ý, thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội là cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp cần phải trung thực, đánh giá tình hình không chỉ tập trung vào quy mô mà còn phải quan tâm đến tính chất, đồng thời đưa ra khả năng kiểm soát để tham mưu giúp UBND TP công bố hay không công bố dịch theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, để đạt được mục tiêu không để phát sinh thêm ca bệnh, giảm thiểu tối đa trường hợp tử vong, khắc phục lây nhiễm chéo trong thời gian tới cần phải đưa ra các giải pháp, biện pháp đồng bộ, cụ thể. Trước hết, tập trung nguồn lực để đầu tư đầy đủ thuốc men, máy móc, thiết bị cho phòng, chống bệnh, không thụ động chờ cấp trên cấp. Bên cạnh đó, phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn lây lan ngay tại cơ sở. Ở đây, ngoài vai trò, trách nhiệm của y tế dự phòng, chính quyền địa phương, đòi hỏi các cấp, ngành của thành phố phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Huy động tất cả các lực lượng vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống bệnh sởi, trong đó đặc biệt cần tăng cường tiêm vắc xin sởi. Đối với các gia đình còn e ngại không cho con tiêm vắc xin sởi, cần phải có biện pháp để gia đình tham gia, nếu cố tình phải đưa vào khuôn khổ theo quy định. Huy động tối đa đội ngũ y, bác sỹ tập trung cho công tác tiêm vắc xin sởi, nếu phát hiện trường hợp ngại đi tiêm chủng thì có thể xem xét kỷ luật, thậm chí buộc thôi việc. Tất cả vì mục tiêu ngăn chặn bệnh sợi với hiệu quả cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.