Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tăng tốc phát triển kinh tế

Võ Lâm| 09/03/2013 05:54

(HNM) - Sáng 8-3, tập thể UBND TP Hà Nội họp phiên thường kỳ xem xét tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2013. Đánh giá kinh tế Thủ đô vẫn ở trạng thái

Theo báo cáo của Sở KHĐT, kinh tế Hà Nội trong tháng 2 giảm so với tháng 1. Đây là vấn đề có tính quy luật hằng năm vì tháng 2 chịu ảnh hưởng mạnh của thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, một số chỉ số thấp so với cùng kỳ năm trước báo hiệu những khó khăn riêng của năm 2013. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2-2013 bằng 77,1% so tháng trước và bằng 83,3% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất của hầu hết các sản phẩm đều giảm so với tháng trước, trong đó thức ăn cho gia súc giảm 14,5%, bia đóng chai giảm 10%, bia đóng lon giảm 22,5%, quạt điện các loại giảm 33,8%; bê tông trộn sẵn giảm 36,1%… Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 2 cũng giảm so với cùng kỳ năm 2012.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Ảnh: Thái Hiền


Tuy nhiên, có không ít tín hiệu tích cực đối với kinh tế Thủ đô. Đại diện Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, số lao động trở lại làm việc sau Tết chỉ giảm 2,7% (năm 2012 giảm 5,5%). Đầu tư phát triển vẫn tăng so với cùng kỳ. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân, toàn thành phố đã cơ bản cấy xong vụ xuân, nước tưới được bảo đảm, nhiều giống lúa chất lượng cao được đưa vào sử dụng. Số lượng gia cầm của thành phố ổn định ở con số 14 triệu con. Trong khi nhiều địa phương khác đang vất vả đối phó với dịch bệnh gia súc, Hà Nội chỉ có một vài điểm nhỏ và đã kìm chế không để bùng phát. Tính đến hết tháng 2-2013, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa được 35.175ha, về trước tiến độ yêu cầu. Dự kiến, năm nay, toàn thành phố sẽ chuyển dịch 1.615ha sang hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao.

Để bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội trong 3 năm tới, chiều cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, năm 2013 phát hành 2.000 tỷ đồng, hai năm tiếp theo mỗi năm phát hành 1.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 chỉ tăng 1,3% so tháng trước và tăng 6,12% so cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm, Hà Nội đã đón hơn 4 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó có 3,6 triệu lượt khách trong nước, khách quốc tế đạt khoảng 415.000 lượt. Chỉ riêng trong 9 ngày Tết, thành phố đã đón và phục vụ khoảng 2,08 triệu lượt khách (tăng 11% so với Tết 2012). Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành 2 tháng ước đạt 1.059,7 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, các ngành, các cấp cần quyết liệt vào cuộc, đưa kinh tế Thủ đô chuyển sang trạng thái "tăng tốc" phát triển từ tháng 3.

Chủ tịch yêu cầu các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Chương trình số 22/CTr-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải được triển khai cụ thể, thực chất. Ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại. Sở Công thương phải chủ trì xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện ngay. "Đây là nhiệm vụ phải làm chứ không thể chần chừ, né tránh. Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xem xét về mặt kỷ cương, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh. Theo yêu cầu của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, ngoài việc phối hợp với Sở KHĐT để làm rõ các sở, ngành chậm nộp báo cáo, xem xét trách nhiệm liên quan, Sở Nội vụ sẽ chuẩn bị tổ chức thực hiện đợt cao điểm thanh tra công vụ toàn thành phố trong tháng 4 và tháng 5 tới.

Về công việc cụ thể, cùng với nhiệm vụ xúc tiến thương mại, các sở, ngành, địa phương tập trung giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn sản xuất, giải quyết hàng tồn kho. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm việc tạm dừng cấp phép các dự án bất động sản, đồng thời triển khai nhanh giải pháp hỗ trợ tín dụng cho người mua, thực hiện chủ trương mua nhà thương mại làm nhà tái định cư… Các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung triển khai các công trình trọng điểm, dự án dân sinh bức xúc; tăng tốc công trình giao thông (như Vành đai 1, Vành đai 2, cầu vượt nhẹ, các nút giao), dự án môi trường, sông hồ, nhà hỏa táng; thúc đẩy các dự án hạ tầng xã hội (nhất là những trường học nội đô, trong khu đô thị mới). Đặc biệt ngay trong tháng 3, phải tổ chức khởi công dự án cải tạo, xây dựng mới khu chung cư cũ Nguyễn Công Trứ đúng kế hoạch.

Nhắc nhở một số công việc chậm chuyển biến, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các ngành, các cấp bám sát vào chức năng, nhiệm vụ rà soát các quy định quản lý, cơ chế chính sách để khắc phục tình trạng trì trệ hiện nay, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giao cho các Phó Chủ tịch theo lĩnh vực được phân công theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện việc này.

Ngầm hóa 80-90% hệ thống cáp viễn thông trong 7 năm tới

Trong phiên họp tập thể, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét thảo luận về Dự thảo Quy hoạch bưu chính viễn thông đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng. Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2020, hạ ngầm kết hợp chỉnh trang đô thị 80-90% hệ thống cáp viễn thông khu vực nội thành và 50-60% khu vực ngoại thành. Mật độ điện thoại cố định đạt 21 thuê bao/100 dân, điện thoại di động đạt 212 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao internet băng rộng cố định đạt 25 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình truy nhập internet đạt 70-75%. Tập thể UBND thành phố cơ bản đồng tình với bản dự thảo. Theo quy định, quy hoạch này không phải trình ra HĐND thành phố, nên UBND thành phố sẽ phê duyệt trong thời gian sau khi Sở TT-TT hoàn chỉnh lần cuối.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng tốc phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.