Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tăng học phí một số cấp học: Để tái đầu tư, nâng chất lượng giáo dục

Thống Nhất| 18/07/2019 06:16

(HNM) - Theo nghị quyết vừa được HĐND thành phố thông qua, từ năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ tăng học phí một số cấp học, với mức dao động từ 26% đến 40% so với năm học trước. Toàn bộ kinh phí tăng thêm từ việc điều chỉnh mức học phí được đầu tư trở lại cho các nhà trường, nhằm mục tiêu tăng nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với việc tăng học phí, các chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn tiếp tục được coi trọng.

Mục đích của việc tăng học phí một số cấp học nhằm tái đầu tư, nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Viết Thành

Bổ sung nguồn lực cho giáo dục

Năm học 2019-2020, thành phố Hà Nội áp dụng mức thu học phí mới đối với ba cấp học, gồm mầm non dưới 5 tuổi, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Cụ thể, học sinh thuộc các cấp học này theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị đóng 217.000 đồng/tháng/học sinh; ở địa bàn nông thôn đóng 95.000 đồng/tháng/học sinh; ở các xã miền núi đóng 24.000 đồng/tháng/học sinh.

Bà Đào Hải Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, so với năm học trước, học sinh ở địa bàn thành thị có mức tăng cao nhất là 40%, tương đương với số tiền tăng thêm là 62.000 đồng/tháng. Mức thu học phí ở địa bàn nông thôn tăng thêm 20.000 đồng/tháng và ở miền núi tăng thêm 5.000 đồng/tháng. Mức tăng này phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.

Đây cũng là mức thu nằm trong khung quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê công bố, Hà Nội là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ ba cả nước. Thế nhưng, mức thu học phí của Hà Nội hiện nay ở một số khu vực còn thấp hơn một số nơi, do vậy chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân cho giáo dục.

Theo ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định, quận Hoàng Mai, mức tăng này được thực hiện theo lộ trình đã công bố, nên không gây bất ngờ. Việc tăng học phí là cần thiết, bởi các nhà trường phải sử dụng 40% tiền thu từ học phí để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, số còn lại dùng để phục vụ việc dạy, học nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh, liệu việc tăng học phí có phục vụ cho học tập của học sinh hay không, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, mục đích của việc tăng học phí là tăng nguồn lực đóng góp từ người dân cho đầu tư, cải thiện điều kiện dạy và học ở các nhà trường. Toàn bộ kinh phí tăng thêm từ việc điều chỉnh mức học phí đều được đầu tư trở lại cho các nhà trường, không dùng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Chung sức lo cho học sinh nghèo

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết thêm, bên cạnh việc tăng học phí, thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, tuyệt đối không để bất kỳ học sinh nào vì khó khăn, không có tiền đóng học phí hoặc thiếu khả năng chi trả cho việc học tập mà phải nghỉ học.

Năm học 2019-2020, toàn thành phố dự kiến có gần 40.000 học sinh thuộc diện được miễn và giảm học phí. Số kinh phí từ ngân sách để thực hiện việc miễn, giảm học phí là hơn 25 tỷ đồng.

Đi đôi với việc tăng học phí, thành phố Hà Nội triển khai chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Viết Thành

Theo Quyết định số 41/2015/ QĐ-UBND về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập do UBND thành phố Hà Nội ban hành, tùy hoàn cảnh cụ thể, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn nghèo, cận nghèo của thành phố Hà Nội) và các học sinh thuộc diện chính sách được miễn hoặc giảm học phí từ 50% đến 70%.

Ngoài ra, còn có một số đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập. Bà Đào Hải Yến cho biết thêm, điểm ưu việt trong quy định của thành phố Hà Nội là những học sinh nghèo, cận nghèo hoặc diện chính sách dù theo học bất cứ loại hình nào cũng đều được hưởng hỗ trợ.

Bà Trần Thị Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Thánh Tông, huyện Thanh Trì chia sẻ: "Gia đình tôi khá lo lắng bởi thuộc hộ cận nghèo, con tôi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, không đủ điều kiện học công lập, nên phải theo học lớp 10 ở trường ngoài công lập. Tuy nhiên, sau khi được thông tin về chính sách hỗ trợ của thành phố, gia đình tôi đã yên tâm".

Là địa phương có học sinh là con đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, huyện có ba đối tượng học sinh chịu tác động của việc tăng học phí, song với các chính sách hỗ trợ của thành phố, hầu hết học sinh đều không quá khó khăn trong học tập. Năm học 2019-2020, huyện có hơn 6.000 học sinh thuộc diện miễn, giảm học phí, chiếm 10% tổng số học sinh.

Ngoài chính sách chung, huyện còn hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non và học sinh bán trú có hoàn cảnh khó khăn; tặng xe đạp, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, học sinh diện chính sách...

Theo thống kê sơ bộ của huyện Chương Mỹ, năm học 2019-2020, trong số hơn 20.000 học sinh cấp trung học cơ sở, có khoảng 10% học sinh khó khăn. Đối với một số xã vùng “rốn lũ” của huyện như: Nam Phương Tiến, Thanh Bình, Hoàng Văn Thụ..., tỷ lệ học sinh khó khăn còn chiếm tới 20%.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nam Phương Tiến A cho biết, số học sinh thuộc diện khó khăn cần hỗ trợ dao động từ 35 đến 45 học sinh. Các chính sách về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập của trung ương, thành phố và địa phương đã giúp nhà trường bớt mối lo về nguy cơ học sinh nghỉ học.

Năm học 2019-2020, trừ ba cấp học: Mầm non dưới 5 tuổi, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông sẽ tăng học phí, mức thu học phí của các cấp học còn lại, gồm: Mầm non 5 tuổi, trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở vẫn giữ nguyên như năm học trước. Cụ thể, học sinh theo học ở các trường thuộc địa bàn thành thị đóng 155.000 đồng/tháng/học sinh; ở địa bàn nông thôn là 75.000 đồng/tháng/học sinh và miền núi là 19.000 đồng/tháng/học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tăng học phí một số cấp học: Để tái đầu tư, nâng chất lượng giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.