Y tế

Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng đột biến, nhiều bệnh nhân nặng

Thu Trang 25/09/2023 - 17:06

Chỉ trong 1 tuần, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm hơn 2.400 người mắc sốt xuất huyết và 95 ổ dịch, cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thành phố Hà Nội, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới. Bất cứ ai cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết. Do đó, người dân không được chủ quan và tự ý điều trị khi nhiễm bệnh.

Thêm 95 ổ dịch mới

Theo tin từ CDC Hà Nội vào chiều 25-9, trong tuần (từ ngày 15 đến 22-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.404 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (174 ca), Phú Xuyên (161 ca), Cầu Giấy (150 ca), Đan Phượng (145 ca), Hoàng Mai (141 ca), Đống Đa (138 ca), Thanh Oai (135 ca), Ba Đình (124 ca), Nam Từ Liêm (120 ca), Chương Mỹ (107 ca), Thanh Trì (101 ca), Thanh Xuân (100 ca).

Nếu tháng 7 và tuần đầu tháng 8-2023, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội chỉ khoảng 500-600 ca/tuần, thì từ tuần thứ 2 tháng 8 trở đi, số ca mắc tăng lên 1.000 ca. Từ giữa tháng 9-2023 đến nay, số ca mắc tăng đột biến từ 2.200 đến 2.400 ca/tuần. Tuần qua là tuần ghi nhận số ca mắc kỷ lục từ đầu năm đến nay (hơn 2.400 ca/tuần).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).

can-bo-y-te-quan-lbien-huong-dan-nguoi-dan-tim-diet-bo-gay-phong-sxh.jpg
Cán bộ y tế quận Long Biên hướng dẫn người dân tìm diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 95 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã; trong đó quận Bắc Từ Liêm có tới 14 ổ dịch; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 13 ổ dịch; Đống Đa có 11 ổ dịch… Đây cũng là tuần ghi nhận số ổ dịch nhiều nhất từ đầu năm đến nay.

Như vậy, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 870 ổ dịch. Hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất có 327 bệnh nhân; xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất có 74 bệnh nhân; thôn Đống - xã Cao Viên - huyện Thanh Oai có 65 bệnh nhân…

Theo nhận định của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

kiem-tra-cong-tac-phong-chong-sxh-tren-dia-ban-quan-hai-ba-trung.jpg
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Trước tình hình này, CDC thành phố đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được triển khai tại các ổ dịch trên địa bàn các quận, huyện: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Tây Hồ.

Không tự ý truyền dịch tại nhà

Hiện nay, tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng, trong đó tỷ lệ bệnh nhân ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng tăng theo.

Riêng tại 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thời điểm hiện tại tiếp nhận điều trị 157 ca sốt xuất huyết, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy. Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây…

tham-kham-benh-nhan-sxh-tai-bv-dong-da.jpg
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương Nguyễn Trung Cấp, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.

Bất cứ người nào mắc sốt xuất huyết cũng có nguy cơ diễn biến nặng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau. Ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn trong khi ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.

“Với những người bị loét dạ dày hành tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản, khi mắc sốt xuất huyết, nếu xảy ra xuất huyết ở những vị trí này thì việc xử lý sẽ rất khó khăn. Hay với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu huyết áp tụt về mức bình thường như người khác đã là tình trạng sốc nặng đối với họ. Nếu thầy thuốc nhận định giá trị huyết áp không đúng có thể dẫn đến xử trí không phù hợp”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp dẫn chứng.

trung-tam-y-te-quan-long-bien-tuyen-tuyen-nguoi-dan-phong-chong-sxh.jpg
Trung tâm Y tế quận Long Biên tuyên truyền các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân.

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có nhiều trường hợp nặng, trong đó có những bệnh nhân xuất huyết nặng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam không cầm, hay bị cô đặc máu...

Đơn cử như bệnh nhân L.T.H (ở huyện Mê Linh), do mắc sốt xuất huyết thể nặng nên đã được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Bệnh nhân này mắc sốt xuất huyết đến ngày thứ 6, trong tình trạng hạ tiểu cầu nặng, xuất huyết, chảy máu chân răng nhiều, chảy máu cam, xuất huyết toàn thân, dưới da…

Các chuyên gia y tế lưu ý, sốt xuất huyết xuất hiện trên những người đang khỏe mạnh, bình thường và diễn biến rất nhanh. Nhiều trường hợp ca bệnh nặng lên do xử trí không đúng cách, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, đã có nhiều hệ lụy từ việc người dân tự ý truyền dịch tại nhà. Với người sốt xuất huyết, trong mấy ngày đầu thường sốt rất cao đi kèm với rối loạn điện giải. Nếu truyền dịch không đúng sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.

Đặc biệt, việc tự ý truyền dịch tại nhà rất nguy hiểm. Nếu xảy ra sốc phản vệ, thì điều kiện cấp cứu tại nhà không thể tốt và đầy đủ như ở bệnh viện. Khi truyền dịch tại nhà, điều kiện về sát khuẩn cũng có thể không bảo đảm bằng ở các cơ sở y tế. Trong khi đó, không phải bệnh nhân sốt xuất huyết nào cũng cần truyền dịch và được chỉ định truyền dịch.

Bác sĩ Dương Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa khuyến cáo, nếu người bệnh sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng đột biến, nhiều bệnh nhân nặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.