Hà Nội kết nối

Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh

Thu Hoài 20/09/2023 - 14:06

Trong tuần 37 của năm 2023, số ca mắc tay chân miệng tại thành phố Hồ Chí Minh giảm 27,6%, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 9,8% so với 4 tuần trước đó.

Ngày 20-9, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn tính đến tuần 37 của năm 2023 (từ ngày 11 đến 17-9). Theo đó, thành phố ghi nhận 934 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 27,6% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Cũng trong tuần 37, thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 359 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 9,8% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân bao gồm các quận 1, 8 và huyện Nhà Bè. Hiện, các địa phương đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Sở Y tế cũng khuyến cáo: Nguyên nhân gây bùng phát số ca mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn là do các chủng vi rút Coxsackievirus A24 (86%), Adenovirus 54 (11%) và Human Adenovirus 37 (3%). Người dân có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt thông thường để điều trị. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ hiệu quả gồm: Rửa mắt, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ. Về thuốc nhỏ mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.

Chườm lạnh bằng cách đắp một chiếc khăn ướt, mát lên mắt trong các trường hợp mắt phù nề sưng tấy đỏ. Những người bị viêm kết mạc đang hoạt động có thể sử dụng kính bảo hộ tối màu để giúp giảm chứng sợ ánh sáng và ngăn ngừa việc chạm vào mắt thường xuyên.

a284.png
Tài liệu tuyên truyền của ngành Y tế về phòng tránh bệnh đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ rất dễ lây từ người sang người. Hãy làm theo những lời khuyên này để không lây nhiễm cho người khác hoặc lây nhiễm cho chính mình: Sử dụng khăn hoặc khăn giấy sạch mỗi lần lau mặt và mắt. Dùng khăn mặt riêng.

Nên rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi ho, hắt hơi. Cố gắng không chạm tay vào mắt. Nếu chạm, hãy rửa tay ngay lập tức. Không trang điểm mắt khi mắt đang bị nhiễm trùng. Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi hết viêm kết mạc.

Cần đi khám bác sĩ khi thấy đau ở mắt hoặc có vấn đề khi nhìn; khi thấy nhạy cảm với ánh sáng (thấy khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng mạnh); khi triệu chứng kéo dài cả tuần hoặc hơn, hoặc triệu chứng không bớt mà ngày càng tệ; khi mắt ra rất nhiều mủ hoặc ghèn; khi bạn có triệu chứng khác của nhiễm trùng như sốt hoặc đau nhức...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.