(HNMO) - Sáng 21-6, Ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025” tổ chức Hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của 5 đảng ủy khối doanh nghiệp trực thuộc các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU chủ trì hội nghị.
Để doanh nghiệp hiểu rõ vai trò của tổ chức Đảng
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện đã báo báo kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”. Cụ thể, các địa phương đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tới cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn nhìn chung đều hoạt động ổn định, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Minh cho biết, thời gian qua Thường trực, Ban Thường vụ các quận, huyện ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đến hoạt động của đảng ủy khối doanh nghiệp trực thuộc nên các mặt công tác đã đi vào nền nếp, có hiệu quả thiết thực và góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; công tác xây dựng Đảng và hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhân dân từng bước được quan tâm và phù hợp hơn với tình hình của doanh nghiệp.
Trong đó, Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận Hoàng Mai được thành lập năm 2015, hiện có 71 chi bộ. Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận Thanh Xuân được thành lập năm 2012, hiện có 81 chi bộ với 747 đảng viên. Đảng bộ Khối doanh nghiệp huyện Thanh Trì hiện có 738 tổ chức Đảng trực thuộc với 400 đảng viên, trong đó có 22 đảng viên là chủ doanh nghiệp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thanh Minh cho biết, các đơn vị đã chỉ rõ được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của một số chi bộ còn chưa thực sự đổi mới, đa dạng trong cách thức tuyên truyền, quán triệt. Công tác tuyên truyền, vận động và khảo sát thành lập tổ chức Đảng còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Chủ doanh nghiệp còn e ngại việc thành lập tổ chức Đảng…
Nhiệm vụ khó đòi hỏi sự kiên trì
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao thời gian qua các đơn vị trên địa bàn thành phố đã khắc phục nhiều khó khăn, phức tạp do dịch Covid-19 để không ngừng hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành lập tổ chức Đảng và kết nạp nhiều đảng viên mới. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ khó nên đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên, liên tục và quyết tâm cao của mỗi địa phương.
Phó Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU và công tác này luôn được đặc biệt quan tâm thực hiện thời gian qua. Nhấn mạnh tỷ lệ đảng viên được kết nạp trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn thấp, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các địa phương cần tiếp tục vượt qua khó khăn để triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU hiệu quả, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố đề nghị các địa phương phát huy kinh nghiệm thành công để triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có thành lập tổ chức Đảng.
“Các địa phương cần rà soát lại các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước để qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò, vị trí của tổ chức Đảng”, đồng chí Nguyễn Văn Phong lưu ý.
Đối với các địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị cần triển khai một cách linh hoạt, đặc biệt là quan tâm đến hoạt động của đảng ủy khối doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, ban thường vụ và các ban Đảng, chính quyền các cấp cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức bộ máy, con người nhằm bảo đảm hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, cần chú trọng đến điều kiện làm việc của đảng ủy khối doanh nghiệp trên địa bàn; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến công tác phát triển và thành lập tổ chức Đảng…
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, về phía thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ lực lượng cộng tác viên của các địa phương tham gia công tác này. Dự kiến thành phố sẽ tổ chức gặp mặt và tôn vinh các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức Đảng hoạt động hiệu quả, qua đó cho thấy sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.