Góc nhìn

Khơi thông "điểm nghẽn" thể chế

Đình Hiệp 04/12/2024 - 06:51

Một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước hiện nay là phải tập trung tháo gỡ, khơi thông 3 điểm nghẽn lớn về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", phải quyết liệt tháo gỡ nhằm tạo tiền đề chuẩn bị đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quyết tâm chính trị trên một lần nữa được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và một số nội dung quan trọng, diễn ra sáng 1-12.

Một loạt bất cập liên quan đến thể chế được chỉ ra là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số luật vừa ban hành đã phải sửa đổi. Các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo. Thậm chí, nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Đặc biệt là chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Để khơi thông những "điểm nghẽn" về thể chế trên, trước hết Chính phủ, Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động. Đồng thời, sớm nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đột phá giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí. Trường hợp cần thiết có thể ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc nghị quyết để xử lý những vấn đề phát sinh chưa quy định trong luật, hay có nhưng còn nhiều vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tiễn.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, nhất là sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị ở các cấp. Trong đó, chú trọng rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, không chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hữu hiệu trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức với tinh thần “7 dám”, nhất là dám đưa ra những giải pháp đột phá khi xử lý những tình huống phức tạp, điểm nghẽn. Đi đôi với đó là cơ chế, chính sách tạo động lực, bảo vệ cán bộ, công chức làm việc, cống hiến, vì lợi ích chung.

Để khơi thông những "điểm nghẽn" về thể chế, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp cũng hết sức quan trọng. Trong đó, kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số quốc gia ở các cấp, ngành, địa phương một cách thực chất, hiệu quả; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là yêu cầu rất quan trọng cho giai đoạn phát triển hiện nay. Bằng cách cải thiện hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao năng lực thể chế, Việt Nam sẽ khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng các cơ hội để vươn lên, đạt được sự thịnh vượng bền vững cho dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông "điểm nghẽn" thể chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.