Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội sẽ chịu sức ép di dân tự do

Đức Trường| 14/01/2010 06:42

(HNM) - Nước biển dâng, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động lên toàn cầu và trở thành vấn đề được toàn nhân loại tìm cách giải quyết. Thế giới đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết bất thường. Nếu như các nước ở vĩ độ cao của bán cầu bắc đang phải chịu đựng một mùa đông giá lạnh, kéo dài chưa từng có thì tại Ôxtrâylia nằm ở bán cầu nam đang trải qua một mùa hè khô, nóng nhất trong lịch sử.


Khi nước biển dâng lên

Tại nước ta, năm 2009 đi qua với những diễn biến bất thường của thời tiết. Có tới 11 cơn bão, nhiều hơn so với mức trung bình nhiều năm. Mưa và lũ sau bão cũng trở lên dữ dội và gây hậu quả nặng nề hơn. Sông Hồng cũng vừa trải qua một mùa cạn kiệt kỷ lục. Cuối tháng 12-2009, có ngày mực nước sông Hồng chỉ còn 0,66m, kỷ lục mực nước sông Hồng thấp nhất tại Hà Nội trong 117 năm qua. Tàu bè nằm phơi trên dòng sông cạn trơ đáy.

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng. GS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng và môi trường cho rằng, kịch bản hài hòa nhất là kịch bản trung bình được khuyến nghị cho các bộ, ngành và địa phương làm định hướng ban đầu để đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ nước ta có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Mức tăng nhiệt độ dao động 1,6-2,8 độ C ở các vùng khí hậu khác nhau…

Vào giữa thế kỷ XXI, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30cm và đến cuối thế kỷ XXI mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 75cm so với thời kỳ 1980-1999. Khi nước biển dâng, Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu mực nước biển dâng 65cm, TP Hồ Chí Minh bị ngập 128km2 (6,3% diện tích); nước biển dâng 75cm, diện tích bị ngập là 204km2 (10%); nước biển dâng 100cm, diện tích bị ngập là 473km2 (23%). Theo phân tích của các nhà khoa học, do tính phức tạp của BĐKH và những hiểu biết chưa thật đầy đủ về BĐKH của Việt Nam cũng như trên thế giới, cùng với yếu tố tâm lý, kinh tế - xã hội và tính chưa chắc chắn về các kịch bản phát thải khí nhà kính, tính chưa chắc chắn của kết quả mô hình tính toán xây dựng kịch bản… nên sẽ khó khẳng định được kịch bản nào sẽ xảy ra và hậu quả sẽ ra sao.

Hà Nội sẽ chịu áp lực nặng nề

Theo kịch bản trung bình, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng lên 2,6 độ C ở Tây bắc; 2,5 độ C ở Đông bắc, 2,4 độ C ở Đồng bằng Bắc bộ; 2,8 độ C ở Bắc Trung bộ, 1,9 độ C ở Nam Trung bộ, 1,6 độ C ở Tây Nguyên và 2,0 độ C ở Nam bộ so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc và Bắc Trung bộ sẽ tăng nhanh hơn so với nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Nam. Tại mỗi vùng, nhiệt độ mùa đông sẽ tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè. Rõ ràng, Hà Nội cũng nằm trọn trong vùng ảnh hưởng, nên cũng sẽ gánh chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan mà điển hình là trận mưa trăm năm có một vào đầu tháng 11-2008.

Khi nước biển dâng lên, những vùng đất ven biển, đồng bằng thấp, những thành phố ven sông, ven biển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. GS Trần Thục đưa ra lời khuyên, người dân ở các vùng có nguy cơ bị nước biển dâng ảnh hưởng có thể tự tìm cách thích ứng với hoàn cảnh bằng nhiều cách, như trồng các loại cây chịu nước mặn, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, mua bảo hiểm rủi ro… Để ứng phó với những hậu quả có thể xảy ra, dựa vào các kịch bản, mỗi địa phương cần tự xây dựng kế hoạch hành động cho phù hợp. Không phải tự nhiên mà tại hội nghị tổng kết ngành TN-MT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý các địa phương bị ảnh hưởng nước biển dâng cần xây dựng những dự án, kế hoạch xây dựng đê biển, đê bao, đê sông và hệ thống chống úng ngập khẩn cấp.

Khi các vùng đất ven biển bị ngập, Hà Nội sẽ không bị ngập, nhưng sẽ phải chịu một áp lực nặng nề về vấn đề di dân. GS Trần Thục cho rằng, đây không phải là một vấn đề dễ dàng cho Hà Nội, bởi ngay bây giờ sức ép từ di dân tự do cũng làm cho Hà Nội gặp nhiều vấn đề nan giải. Do vậy, Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến với nước biển dâng và BĐKH.

Việt Nam có thể không phải là một trong những nước chính góp phần gây ra hiện tượng trái đất nóng lên, nhưng Việt Nam sẽ phải chịu những tác động nặng nề. Và Hà Nội cũng vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẽ chịu sức ép di dân tự do

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.